Thứ Năm | 07/03/2013 17:23

Quá trình đô thị hóa Trung Quốc đối mặt rủi ro tài chính và xã hội

Đô thị hóa Trung Quốc có thể gây ra bất ổn xã hội xoay quanh tranh chấp đất đai, đồng thời gây ra rủi ro tài chính nếu rót tiền bừa bãi.
Đưa người nông thôn ra thành thị là một ưu tiên chính sách của ban lãnh đạo mới Trung Quốc. Chính phủ nước này hi vọng khoảng 60% trong tổng số gần 1,4 tỷ người Trung Quốc sẽ trở thành cư dân thành thị đến năm 2020.

Từ chưa đến 200 triệu người dân thành thị trong 3 thập kỷ trước, con số này hiện đã lên trên 700 triệu người. Tuy nhiên, sự bùng nổ dân số thành thị là nguyên nhân châm ngòi nhiều cuộc đụng độ bạo lực tại nước này xoay quanh vấn đề tước đoạt quyền sở hữu đất nông nghiệp, cũng như tình trạng thiếu nước, ô nhiễm và các vấn đề khác.

"Đây là những thách thức nghiêm trọng mà chúng ta đang cố gắng vượt qua để duy trì quá trình đô thị hóa", Chen Xiwen, người đứng đầu Cơ quan trung ương về công tác nông thôn Trung Quốc - cơ quan hàng đầu trong việc điều hành chính sách nông nghiệp nước này. "Nhiều người đang tỏ ra lo lắng và đây là điều dễ hiểu", ông phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề phiên họp quốc hội hàng năm của Trung Quốc.

Chính phủ cần bảo vệ nông dân khỏi việc mất đất trong quá trình đô thị hóa, khi các chính quyền địa phương đang phụ thuộc rất nhiều vào việc bán đất để có nguồn tài chính đầu tư. Ông Chen cho biết: "Nếu đô thị hóa trở thành quá trình lấy đi lợi ích và làm hại đến lợi ích của nông dân thì không nên tiếp tục nó."

Li Yining, nhà kinh tế tại đại học Peking cảnh báo, Trung Quốc có thể lâm vào tình trạng chi tiêu quá nhiều cho đô thị hóa và việc này có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.

Trung Quốc có kế hoạch ban hành hướng dẫn về đô thị hóa trong nửa đầu năm nay, người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện