Chủ Nhật | 03/06/2012 07:04

QE3 sẽ không cứu được Mỹ và gây chiến tranh tiền tệ?

Tình hình kinh tế Mỹ làm tăng kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tung QE3 song Fed có thể làm gì với lợi suất trái phiếu thấp kỷ lục.
Thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu mất đà phục hồi sau khi báo cáo vừa công bố cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 của nước này tăng trở lại 8,2% từ 8,1% trong tháng trước.

Điều này làm dấy lên đồn đoán Fed sẽ tung ra gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3).Đa số quan chức Fed phát đi tín hiệu họ chưa sẵn sàng thực hiện gói nới lỏng định lượng tiếp theo, hay nói cách khác là mua thêm tài sản. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến kỳ vọng của thị trường.

Theo giới phân tích, gói nới lỏng định lượng QE3 của Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể không cứu được kinh tế, mà còn gây ra chiến tranh tiền tệ lần 2.

Gói QE3 không cứu được kinh tế Mỹ

Trong năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của nước Mỹ chỉ tăng 1% (sau điều chỉnh) còn chỉ số chi tiêu dùng cá nhân lõi (thước đo lạm phát không tính tới giá thực phẩm và năng lượng) tăng gấp hơn 2 lần, đạt 2,2%.

Trong bối cảnh đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED đã công bố chương trình Operation Twist, hay còn được gọi là Nới lỏng định lượng phiên bản 2,5 (QE 2,5), chuyển đổi 400 tỷ USD trái phiếu kì hạn dưới 3 năm thành trái phiếu kì hạn 6 - 30 năm nhằm giảm lãi suất dài hạn, thúc đẩy nhu cầu đi vay.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó của Fed đã không mang lại hiệu quả. Các lãi suất liên tục phá đáy do tâm lý hoang mang ngày càng tăng trong giới đầu tư khi cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone) ngày một tồi tệ hơn. Hôm 30/5, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống thấp kỷ lục 1,439% trong khi trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm còn 2,51%.

"Kết quả là, một đợt nới lỏng định lượng nữa (QE3) của Fed sẽ chẳng làm được gì nhiều để thay đổi tình hình," Kinh tế trưởng Stephen Stanley tại Pierpont Securities nhận định. Theo ông Stanley, lý do duy nhất khiến Fed nới lỏng hơn nữa vào thời điểm này là chỉ là do tình trạng nghiệp Mỹ tăng quá cao.

"Với lợi suất trái phiếu 10 năm dưới 1,5% và lợi suất trái phiếu 30 năm dưới 2,5%, một gói nới lỏng định lượng mới chỉ khiến lợi suất giảm thấp hơn," ông Stanly khẳng định.

Trên thực tế, một nghiên cứu của Fed cho thấy gói nới lỏng định QE2 và QE 2,5 trước đó cũng không thúc đẩy tăng trưởng mà chỉ khiến tình hình lạm phát thêm căng thẳng.

Trước đó, năm 2011, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz từng cho rằng những chính sách tài chính mới là những công cụ hiệu quả giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ chứ không phải gói QE3.

Ông Stiglitz cũng lưu ý rằng gói QE2 trước đó đã gây ra những vấn đề không thể lường trước, tiền không đi đến nơi cần thiết, là nước Mỹ, trong khi lại đổ về những nơi không thực sự cần. Nguyên nhân là do vốn luôn tìm kiếm những nơi có tăng trưởng và lợi nhuận, do đó, một số thành khoản trong QE2 đã tìm về các thị trường mới nổi.

"Nếu tung ra QE3, tình trạng bay vốn đó còn tồi tệ hơn," ông Stiglitz nhận định.

Ông Stiglitz tin rằng toa thuốc cho nền kinh tế Mỹ nằm trong chính sách tài chính, đó sẽ là điều duy nhất có hiệu quả. Ông Stiglitz nhấn mạnh, QE3 không thể cứu được nền kinh tế Mỹ vào thời điểm hiện tại.

QE3 có thể gây ra chiến tranh tiền tệ lần 2

Các nhà phân tích cho rằng, việccác quan chức Fed tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của kinh tế Mỹ bằng gói QE3 có thể khiến các chủ ngân hàng tại các thị trường mới nổi "toát mồ hôi lạnh". Nguyên nhân là do các cơ quan tài chính tại những nước đang phát triển lo ngại rằng nền kinh tế của họ sẽ rơi vào tình trạng khó khăn khi Fed bắt đầu mua trái phiếu Mỹ để neo lãi suất.

Theo các nhà phân tích, nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ đồng ý thông qua gói QE3 như đã làm trước đó với QE2 - mua USD trên thị trường giao dịch nước ngoài, cắt giảm lãi suất - họ sẽ phải đối mặt với điều mà Bộ trưởng Tài chinh Brazil Guido Mantega mô tả trong năm 2010 là "chiến tranh tiền tệ" lần 2.

Với những bài học trong quá khứ, chính phủ các nước biết rằng số tiền khổng lồ mà Fed bơm vào thị trường tài chính sẽ nhanh chóng chảy ra ngoài và đổ vào thị trường tiền tệ của họ, nơi có lợi suất cao hơn và hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Hậu quả là, đồng USD chảy vào thị trường sẽ đẩy tỷ giá hối đoái lên cao và gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu, khiến thị trường vốn của các nước dễ bị tổn thương hơn trước các biến động của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Khi chính phủ phàn nàn về việc xuất khẩu mất khả năng cạnh tranh, để bảo vệ ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia và giảm lạm phát, hậu quả của việc đồng tiền bị suy yếu, các ngân hàng trung ương có thể thiết lập một chu trình cạnh tranh phá giá, gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống thương mại thế giới.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ben Bernanke và các quan chức của Fed lại có xu hướng bỏ qua những cảnh báo về một cuộc chiến tiền tệ và tranh luận rằng vấn đề nằm ở các ngân hàng tại những thị trường mới nổi. Fed cho rằng các ngân hàng này quá ít chú ý tới lạm phát trong khi lại tập trung quá nhiều vào tỷ giá hối đoái.

Tất nhiên, khả năng về gói QE3 vẫn tiếp tục nằm trên bàn thảo luận nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm và Fed không thực hiện các biện pháp tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hy vọng điều đó sẽ không xảy ra, vì lợi ích của sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Nguồn WSJ, CNBC, Tân Hoa Xã/DVT


Sự kiện