Thứ Ba | 20/01/2015 16:11

QE sẽ mang lại gì cho Eurozone?

Với kinh tế châu Âu, kích thích tiền tệ vẫn chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng mà đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các chính phủ.

Theo nhiều chuyên gia, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tuyên bố triển khai chương trình mua tài sản mới trong cuộc họp chính sách ngày 22/1, đặc biệt khi lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước thành viên trong Eurozone hiện đều đang ở mức thấp kỷ lục.

Mặc dù chỉ là đồn đoán nhưng dường như giới đầu tại châu Âu đều đang rất hào hứng chờ đợi quyết sách tháng 1 của ECB. Tuy nhiên theo nhận định của Financial Times, nới lỏng định lượng (QE) có thể là vũ khí mạnh nhất của ECB nhưng châu Âu không thể tự cứu mình chỉ với QE. Nếu chính phủ các nước thành viên không tham gia hỗ trợ bằng cách tăng cường kích thích tài chính và cải cách, QE có thể sẽ chỉ khiến giá của các tài sản tài chính tăng mạnh, thậm chí tạo ra cái bẫy "đánh bại" chính phủ liên minh.

 

Trong những năm gần đây, QE vốn  hoạt động rất hiệu quả đối với kinh tế Mỹ, thông qua việc kéo giảm chi phí tái cấp vốn đối với khối doanh nghiệp, thúc đẩy niềm tin và chi tiêu tiêu dùng và kéo giảm giá của USD. Tuy nhiên so với Mỹ, cấu trúc hệ thống tài chính của châu Âu lại hoàn toàn khác và đây là lý do khiến QE không thể phát huy hết hiệu quả nếu được áp dụng tại Eurozone.

Trên thực tế, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sẽ không mang lại lợi ích nào cho khối doanh nghiệp nhỏ của châu Âu - nguồn cung hơn 80% việc làm mới cho khu vực. Khác với doanh nghiệp Mỹ có thể vay vốn thông qua các thị trường vốn khác nhau, khối doanh nghiệp châu Âu lại phần lớn phụ thuộc vào các ngân hàng. Một điều đáng lo ngại là, sức khỏe của hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn còn khá yếu khi có 10% số ngân hàng trượt kỳ kiểm tra sức khỏe của ECB hồi tháng 10/2014 và 24% số ngân hàng được "vớt vát" cho qua. Nói cách khác, khoảng 1/3 số ngân hàng châu Âu hiện không đủ điều kiện để tái cho vay.

Xét về tài sản, QE có lợi nhiều hơn đối với giới giàu có châu Âu - những người nắm giữ phần lớn tài sản tài chính của khu vực nhưng lại không sẵn lòng chi tiêu. Theo một nghiên cứu của ECB từ tháng 3/2014, mức chi tiêu của giới giàu có châu Âu (chiếm 10% dân số khu vực) thấp hơn 3 lần so với bộ phận người dân thu nhập thấp (chiếm 50% dân số). Sau 6 năm liên tiếp chật vật với tình trạng thất nghiệp gia tăng và lương giảm, có vẻ như QE cũng không thể kích thích người dân châu Âu chi tiêu mạnh hơn nữa.

 

Lĩnh vực duy nhất mà QE có thể giúp châu Âu là tiền tệ. Euro suy yếu sẽ phần nào thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của khu vực. Tuy nhiên, đây chỉ là tác động tạm thời và có thể sẽ vô hiệu nếu các ngân hàng trung ương khác quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Không chỉ vậy, châu Âu sẽ phải đối mặt với một rủi ro khác nếu triển khai QE. Trên thực tế, gói QE sẽ không có hiệu quả trong bối cảnh chi tiêu công của Eurozone đang thấp hơn rất nhiều so với thời điểm khi Mỹ và Vương quốc Anh bắt đầu thực hiện QE. Trong bối cảnh này, ECB có thể phải cần đến nhiều gói kích thích hơn và dần dần sẽ rơi vào vòng lặp QE vô hạn như Nhật Bản.

Khi đó, người tiêu dùng và các doanh nghiệp có lẽ sẽ càng hạn chế chi tiêu và đầu tư. Trên thực tế, tình trạng này vẫn đang xảy ra tại Eurozone, người dân cắt giảm chi tiêu, ngân hàng hạn chế cho vay trong khi nhiều doanh nghiệp lại tăng cường dự trữ tiền mặt.

Một rủi ro khác là, việc triển khai QE có thể vô tình thúc đẩy hoạt động đầu tư rủi ro cao vào các thị trường tài chính thay vì kích thích dòng vốn đầu tư dài hạn vào nền kinh tế. Đó là lý do tại sao ECB liên tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hỗ trợ cho các biện pháp kích thích tiền tệ.

Thứ nhất, Liên minh châu Âu cần phải mở rộng quy mô và tăng cường tính minh bạch của Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu. Hiện nay, kế hoạch đầu tư này chỉ được 4% giới đầu tư tín nhiệm, theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Hoàng gia Scotland.

Thứ hai, chính phủ các nước chủ chốt của khối liên minh phải hành động quyết liệt hơn nữa đề thúc đẩy hoạt động đầu tư và áp lực lạm phát.

Thứ 3, các cơ quan quản lý quốc gia phải cân đối và đơn giản hóa các quy định về hoạt động cho vay của ngân hàng.

Thứ 4, chính phủ liên minh cần tìm ra hướng giải quyết mang tính xây dựng đối với vấn đề tái cơ cấu nợ của Hy Lạp. Việc Hy Lạp rời khỏi khối Eurozone vào thời điểm này có thể tạo ra những rủi ro lây lan trên toàn hệ thống chính trị khu vực khi Pháp, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Bồ Đào Nha đều sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay.

Mặc dù QE đang mang lại nhiều lợi ích cho giới quản lý trái phiếu tại châu Âu nhưng nếu không có các biện pháp kích thích và cải cách của chính phủ, châu Âu sẽ không bao giờ trở thành một địa điểm đầu tư lý tưởng cho thị trường. Và vấn đề lớn của châu Âu hiện nay là, không phải chính phủ nước thành viên nào cũng sẵn sàng hành động như ECB gợi ý.  

Nguồn DVO/Financial Times