Putin trước áp lực trao "đặc quyền" cho Trung Quốc
“Putin giờ đây rời xa phương Tây và hướng về phương Đông, Trung Quốc đang thu hút lợi nhuận tối đa từ nhu cầu Nga", Masha Lipman, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Matxcơva cho biết.
Trung Quốc cũng không muốn lãng phí thời gian. Một phái đoàn Trung Quốc dẫn đầu là Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm qua đã ký hàng loạt thỏa thuận với Nga tại Matxcơva ở các lĩnh vực quan trọng như năng lượng và tài chính. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã ký các hiệp định khung với VTB Group và Vnesheconombank (ngân hàng phát triển Nga) và một thỏa thuận tài chính thương mại với Ngân hàng Nông nghiệp Nga. Các ngân hàng quốc doanh Nga đều nằm trong phạm vi chịu lệnh cấm vận của phương Tây.
Thậm chí mối quan hệ của 2 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ có thể còn đi xa hơn nữa khi Putin đang tiến đến việc đáp ứng một trong những mục tiêu quân sự quan trọng của Trung Quốc: mua sắm công nghệ hiện đại.
Cuộc chơi chưa có tiền lệ
Nga chuẩn bị ký các hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc trong quý 1 năm tới, Vasily Kashin - một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Matxcơva cho biết. Nga cũng có thể cung cấp cho Trung Quốc loại tàu ngầm mới nhất, Amur 1650, và các thiết bị để sản xuất vệ tinh hạt nhân, Kashin tiết lộ.
Theo Omar Lamrani, nhà phân tích quân sự tại Stratfor - cơ quan nghiên cứu rủi ro địa chính trị Mỹ, trong khi Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn cho Trung Quốc nhiều thập kỷ nay, thì họ thường giữ lại các hệ thống tốt nhất vì Trung Quốc thường "nhái lại" các trang thiết bị sắm được.
Nga từ lâu không muốn trao thêm sức mạnh cho người háng xóm gấp họ 4 lần về sản lượng kinh tế và 10 lần về dân số. Nhưng cấm vận phương Tây dường như đang thay đổi tất cả. Putin giờ đây đang mạo hiểm trong một cuộc chơi mà ông chưa từng chơi: đối tác yếm thế - Fyodor Lukyanov, đứng đầu Hội đồng Đối ngoại và chính sách quốc phòng tại Matxcơva nói.
Sức mạnh của Putin vẫn đang rất lớn ở trong nước. Tỉ lệ ủng hộ ông đạt gần 90%. Trong khi đó, Trung Quốc đạt được mục tiêu chiến lược - đó là nguồn cung cấp khí của Nga. Hồi tháng 5, Putin cũng đã đặt dấu chấm hết cho một thập niên đàm phán với hợp đồng trị giá 400 tỉ USD, kéo dài 30 năm.
Một dấu hiệu khác của Putin trong nỗ lực xây đắp quan hệ với Trung Quốc giữa lúc phải đối phó với các biện pháp trừng phạt phương Tây, đó là việc bổ nhiệm một trong những đồng minh tin cậy nhất của ông, tỉ phú Gennady Timchenko, vào vị trí đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Nga-Trung.
Dĩ nhiên, trước khi bị sức ép cấm vận, Nga vẫn thường kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Việc này thường do những người tiếp cận trực tiếp với Putin kiểu như Timchenko đảm nhận.
Đầu năm nay, khi các công ty khát tiền mặt, Nga đã nới lỏng một số hạn chế với Trung Quốc, tạo không gian rộng hơn cho đầu tư trong khi vẫn kiểm soát chặt các dự án liên quan tới vàng, kim cương, công nghệ cao.
Hôn nhân vật chất
Theo dữ liệu của Bloomberg, khi Putin lên nắm quyền vào năm 2000, Nga nhập khẩu chưa đầy 1 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc mỗi năm trong khi xuất khẩu đạt gần 6 tỉ USD. Năm ngoái, hàng hóa Trung Quốc nhập vào Nga đã đạt mức kỷ lục với 53 tỉ USD so với gần 40 tỉ USD hàng hóa Nga vào Trung Quốc.
Theo Alexei Maslov, phụ trách nghiên cứu châu Á tại trường Kinh tế ở Matxcơva, người Trung Quốc chủ yếu vẫn chỉ quan tâm tới nguyên liệu thô. “Ưu tiên hàng đầu là đa dạng thương mại vì 70% xuất khẩu là nguyên liệu thô", Maslov nói. "Chúng tôi muốn giảm con số này nhưng Trung Quốc không quan tâm".
Maslov nhấn mạnh, Trung Quốc cho đến nay không có nhiều nỗ lực để đáp ứng mong muốn của Nga. Trong khi Putin hy vọng thương mại song phương tăng trưởng từ khoảng 90 tỉ USD năm ngoái lên hơn 100 tỉ USD năm tới, thì con số này chỉ chiếm 2% trong thương mại toàn cầu của Trung Quốc và bằng 1/5 dòng chảy thương mại Mỹ-Trung Quốc.
"Họ đang tận dụng hoàn cảnh", ông Maslov nói. "Trước đây Nga có chọn lựa phương Tây nhưng giờ không phải vậy, nên Trung Quốc đang tận dụng vị trí không có ai tranh giành này".
Một quan chức Nga cho rằng, rào cản trong việc tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc chính là văn hóa. Nga thường theo văn hóa tập đoàn kiểu Âu, Mỹ với các luật sư soạn thảo hợp đồng rõ ràng trong khi Trung Quốc không phụ thuộc nhiều vào cam kết kiểu văn bản. “Chúng tôi phải học rất nhiều điều mới mẻ trong làm ăn với Trung Quốc", vị này nói.
Theo Ja Ian Chong, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, Trung Quốc đang ở thế "trên cơ" so với Nga, họ cũng sẽ khiến ông Putin có ít nhiều nhượng bộ. “Nga quan trọng với châu Á vì hai lý do: cung cấp năng lượng và bán vũ khí", Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. "Kể cả khi quan hệ Nga-Trung Quốc được củng cố, thì đây là một cuộc hôn nhân vật chất hơn là tình yêu thực sự, khi sự hoài nghi tồn tại ở cả hai bên".
Nguồn Vietnamnet