PMI tháng 5 của Mỹ xuống thấp nhất trong 3 tháng
David Sloan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty 4cast ở New York, nhận định, hoạt động sản xuất ở Mỹ nhìn chung vẫn duy trì tăng trưởng dù không thực sự mạnh mẽ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này lại phù hợp với tình trạng phát triển chung của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất chiếm khoảng 12% GDP của kinh tế Mỹ.
Theo báo cáo, chỉ số đo lường số lượng đơn hàng mới giảm xuống 53,3 điểm trong tháng 5 - mức thấp nhất trong 4 tháng trong khi chỉ số này đạt 55,1 điểm trong tháng trước đó. Chỉ số đo lường sản lượng cũng giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng ở 55,2 điểm và chỉ số việc làm trong sản xuất giảm xuống 51,9 điểm so với 54,7 điểm của tháng 4.
Một số doanh nghiệp có thể đang chờ đợi tín hiệu phục hồi trong doanh số bán hàng trước khi mua thêm thiết bị mới và tăng cường công suất hoạt động. Đồng thời, chính nhờ nhu cầu ổn định trong việc mua các phương tiện di chuyển và sự cần thiết phải thay thế các máy móc lâu đời cũng sẽ giúp duy trì nguồn vốn đầu tư cũng như lợi nhuận cho các hãng sản xuất.
Ngược lại, công ty nghiên cứu Markit Economics cũng đưa ra báo cáo tích cực hơn về sản xuất của Mỹ. Theo báo cáo, chỉ số sản xuất của Mỹ trong tháng 5 đạt 56,4 điểm, cao hơn so với số liệu sơ bộ là 56,2 điểm. Chỉ số đo lường sản lượng tăng lên 59,6 điểm so với 58,2 điểm của tháng 4. Chỉ số đo lường số lượng đơn hàng mới giảm nhẹ xuoogns 58,8 điểm trong khi chỉ số việc làm trong sản xuất không đổi ở 53,7 điểm.
Trong khi đó, chỉ số về hoạt động sản xuất của các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng khá phức tạp. Markit Economics cho biết, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong tháng 5 của khu vực đồng euro giảm xuống 52,2 điểm so với 53,4 điểm trong tháng 4 và thấp hơn so với số liệu sơ bộ là 52,5 điểm.
Tại châu Á, cũng theo Markit Economics, chỉ số PMI của Trung Quốc tháng 5 tăng lên 50,8 điểm từ 50,4 của tháng 4, cao hơn mức dự đoán 50,6 của thị trường. Tại Nhật Bản, chỉ số PMI tháng 5 của ngành sản xuất cũng tăng lên 49,9 điểm so với 49,4 điểm tháng trước đó.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu cho các dự án xây dựng ở Mỹ tăng 0,2% trong tháng 4, lên 953,3 tỷ USD. Con số này thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế mà MarketWatch khảo sát.
Cụ thể, trong số các dự án tư, chi tiêu tăng 0,1% đối với dự án xây khu nhà ở và giảm 0,1% đối với dự án không dành cho dân sinh. Với dự án công, chi tiêu giảm 6% đối với dự án xây nhà ở và tăng 1% đối với dự án không nhằm mục đích dân sinh.