Thứ Ba | 22/07/2014 13:48

Phương Tây tìm cách cô lập Nga vì vụ MH17

Liên minh châu Âu (EU) có thể thông qua lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga tại cuộc họp hôm nay 22/7.
Vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở miền đông Ukraine tiếp tục khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây thêm căng thẳng.

Phát biểu trước Quốc hội hôm qua 21/7, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi các nước thành viên EU cần chuyển sang biện pháp trừng phạt cấp độ 3 và ngừng cung cấp vũ khí cho Nga. Ông cũng kêu gọi mở rộng danh sách trừng phạt hiện nay.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada John Baird cho biết đã yêu cầu các quan chức trong chính phủ thảo kế hoạch trừng phạt bổ sung đối với Nga. Canada đang triển khai lệnh trừng phạt với 110 cá nhân và tổ chức của Nga kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Ông Baird cho biết, vụ việc MH17 trở thành nhân tố mới thúc đẩy chính phủ Canada tăng cường trừng phạt Nga.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 21/7 cũng tuyên bố, trong những ngày tới, Nga phải làm mọi cách đảm bảo cho các chuyên gia quốc tế tiếp cận nơi xảy ra tai nạn máy bay MH17 của Malaysia Airlines, nếu không sẽ có nhiều biện pháp trả đũa được áp dụng.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 21/7 cho biết chính phủ của ông chuẩn bị hủy hợp đồng bán tàu sân bay thứ 2 cho Nga nếu EU quyết định mở rộng trừng phạt Matxcơva. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước châu Âu gây sức ép với Pháp buộc nước này hoãn hoặc hủy hợp đồng giao tàu sân bay Mistral cho Nga.

Dự kiến hôm nay 22/7, ngoại trưởng các nước EU sẽ nhóm họp tại Brussels để quyết định có áp thêm lệnh trừng phạt Nga hay không. Đến nay EU mới áp lệnh trừng phạt cấp độ 2 nhằm vào các cá nhân, doanh nghiệp của Nga. Ở cấp độ 3, lệnh trừng phạt sẽ nhằm vào toàn bộ nền kinh tế của Nga và do đó cũng sẽ ảnh hưởng lớn hơn đối với EU.

Hôm 16/7, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông qua lệnh trừng phạt kinh tế mạnh nhất với Nga. Lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty năng lượng, tài chính cũng như quốc phòng hàng đầu của Nga trong đó có tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất Nga Rosneft, tập đoàn khí đốt lớn thứ 2 Novatek, ngân hàng có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprombank, ngân hàng Vneshekonombank. Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn nhằm vào 8 nhà cung cấp vũ khí.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, đến nay, các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vẫn được tính toán để không ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới. Mỹ hiện không muốn tung ngay thêm lệnh trừng phạt mới, bởi làm vậy có thể sẽ khiến Nga trả đũa Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu.

Việc Mỹ và các đồng minh phương Tây tìm cách trừng phạt có thể sẽ khiến Nga rơi vào tình trạng cô lập về kinh tế. 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư đã rút khoảng 80 tỷ USD khỏi Nga, con số này được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, đồng Rúp mất giá 10% so với USD và lạm phát của Nga tăng vọt. Kể từ đầu năm, chỉ số chứng khoán Nga cũng giảm 12%, biến Nga trở thành thị trường chứng khoán mới nổi tệ nhất năm.

Nguồn Theo DVO/Bloomberg, CBC, Telegraph


Sự kiện