Phương Tây muốn đàm phán lại với Nga về "Dòng chảy phương Nam"
Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa thúc giục Bulgaria tìm kiếm một cuộc nói chuyện mới với Nga về đường ống dẫn khí đốt South Stream (Dòng chảy phương Nam).
“Chúng ta cần nghiên cứu mọi vấn đề xung quanh dự án South Stream và dùng chúng để tìm kiếm một cuộc thảo luận mới với Nga”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov sau cuộc hội đàm tại Berlin, Đức hôm qua 15.12.
Một số giao ước đã được đồng thuận và có thể đã tới lúc cả hai bên cần duy trì đối tác đáng tin cậy của mình là Nga, Reuters dẫn lời bà Merkel cho biết thêm.
Ông Borisov cho biết ông tin rằng tồn tại trong dự án South Stream sẽ được giải quyết và hi vọng nhận được xác nhận chính thức về quan điểm của Brussels đối với đường ống này.
“Nga và Bulgaria là đối tác và phải tiếp tục sự hợp tác này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ quay lưng với thoả thuận nếu như nó chỉ được kí từ phía chúng tôi chứ không phải là cả EU như trong thoả thuận năm 2006”, Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov nói.
Không chỉ có Đức và Bulgaria, cả Hungary và Serbia cũng đang hi vọng cứu được dự án South Stream. Đây đều là những nước hưởng lợi từ dự án này.
Hiện tại, nguồn cung từ Nga vẫn chiếm 30% lượng cầu khí đốt của EU, một nửa số lượng này đến với EU thông qua lãnh thổ Ukraine. South Stream là dự án đường ống dẫn khí đốt được dự kiến sẽ cung cấp cho EU 63 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống này chạy dưới biển Đen và đi qua lãnh thổ Bulgaria.
Liên minh châu Âu (EU) trước đây từng có khuynh hướng hạn chế phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt South Stream trị giá 40 tỉ USD.
Song, một số nước trong khối này vẫn muốn dự án được khôi phục khi cho rằng đường ống đi vòng qua Ukraine, tránh mâu thuẫn Moscow - Kiev như South Stream sẽ là cách tốt nhất để vẹn tròn cả nguồn cầu năng lượng và lợi ích kinh tế của họ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1.12 đã tuyên bố huỷ dự án này, thay thế nó bằng một đường dẫn khác qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trước sự bất ngờ của Cộng đồng chung.
Song song, ông Putin cũng không quên nhắc rằng động thái phản đối South Stream của EU tương tự như việc chối bỏ Bulgaria, nước phụ thuộc phần lớn năng lượng vào Nga. Phản đối dự án này cũng là quay lưng với chính lợi ích kinh tế của EU, ông nói thêm.
Nga từng kêu gọi EU bãi bỏ lệnh trừng phạt lên Moscow và cam kết từ bỏ các biện pháp trả đũa đối với phương Tây vào ngày 30.11. Việc EU phớt lờ thiện chí của Moscow được cho là nguyên nhân dẫn đến quyết định huỷ dự án của ông Putin.
Nguồn Thanh Niên