Ảnh: The New York Times.

 
Hải Miên Thứ Sáu | 03/06/2022 15:19

Phương Tây loay hoay tìm lối thoát cho 25 triệu tấn lương thực Ukraine

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng việc giải quyết nạn đói sẽ là ưu tiên của họ.

Trước khi bị Nga tấn công vào tháng 2, Ukraine được coi là vựa lúa của cả thế giới, xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng quốc gia - chiếm đến 12% lượng lúa mì trên toàn cầu.

Khi chiến tranh nổ ra, Ukraine đã vận chuyển hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của mình qua thành phố cảng Odessa, còn cảng chính của nước này trên Biển Azov ở thành phố Mariupol hiện đã bị nghiền nát.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, chiến tranh đã khiến các chuyến hàng này bị đóng băng, trong đó, khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch năm ngoái bị mắc kẹt trong các hầm chứa và có nguy cơ bị thối rữa nếu không được tiêu thụ sớm. Trong những tháng tới, dự kiến sẽ có thêm 50 triệu tấn lương thực nữa đến thời điểm thu hoạch. 

Ông Algis Latakas, Tổng giám đốc Cảng Klaipeda trên bờ biển Baltic của Cộng hòa Litva, nhấn mạnh rằng cơ sở của ông có thể giúp thế giới ngăn chặn thảm họa lương thực bằng cách xuất cảng những “núi” ngũ cốc đang bị mắc kẹt ở Ukraine. Bởi cảng Baltic là nơi có các chuyến tàu chở hàng đến Ai Cập, Yemen và các quốc gia khác đang trong tình trạng tuyệt vọng vì nhu cầu thực phẩm.

Cảng ở Odesa, từng là đường dẫn chính cho ngũ cốc Ukraine ra thế giới, vào tháng 2, trước khi Nga xâm lược Ukraine. Ảnh: NY Times.
Cảng ở Odessa, từng là đường dẫn chính cho ngũ cốc Ukraine ra thế giới, vào tháng 2, trước cuộc chiến. Ảnh: NY Times.

Tuy nhiên, ông Latakas thừa nhận có một vấn đề lớn là ngũ cốc tại các kho chứa ở Cảng biển Litva được vận chuyển từ Ukraine thông qua các đường ray xe lửa, nhưng Belarus lại đang kiểm soát các tuyến đường sắt trực tiếp, rẻ và nhanh nhất đó, hơn hết là Belarus cũng đang tham chiến cùng Nga.

 

Nhiều phương án đang được cân nhắc để đưa lượng ngũ cốc khổng lồ ra khỏi Ukraine, bao gồm gửi sà lan xuống sông Danube, hoặc dùng xe tải và tàu hỏa qua các cảng ở Ba Lan và Romania - tất cả đều đi kèm với những thách thức đáng kể. Khó nhất là mở lại cảng Odessa ở Biển Đen, hiện đang được Ukraine khai thác quân sự. Trong số đó, lựa chọn khả thi nhất vẫn là con đường qua Litva.

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng việc giải quyết nạn đói sẽ là ưu tiên của họ. Tuy nhiên, vẫn có sự tranh cãi dữ dội về cách làm điều đó mà không tạo nên lợi thế cho Nga hoặc Belarus, cả hai nước này đều đang mong muốn được giảm bớt các lệnh trừng phạt để đổi lấy sự giúp đỡ trong việc loại bỏ nạn đói.

Nhưng các quốc gia phương Tây như Mỹ, cũng như Ukraine, phản đối việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng lại cân nhắc một thỏa thuận với Belarus.

Ông Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, cho biết giải pháp tốt nhất là Nga dỡ bỏ phong tỏa thành phố Odessa hoặc để các nước phương Tây cử tàu chiến hộ tống các tàu chở ngũ cốc.

Lo sợ trước "cơn bão đói" đang đến gần, người đứng đầu Liên hợp quốc, ông António Guterres, đã tìm cách đàm phán một thỏa thuận, theo đó ngũ cốc của Ukraine sẽ được vận chuyển ra khỏi đất nước bằng tàu hoặc xe lửa, và đổi lại Nga và Belarus sẽ bán sản phẩm phân bón ra thị trường toàn cầu mà không bị trừng phạt.

Đối với những người nông dân ở Ukraine, chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm gieo hạt vụ mùa thứ hai trong năm, xuất khẩu ngũ cốc có lẽ là nhiệm vụ cấp bách nhất trong cái nghề vốn đang rất hiểm nghèo của họ hiện nay.

Tuy nhiên phương Tây vẫn chưa tìm được giải pháp để thỏa hiệp với Nga và Belarus. Điều đó có nghĩa là họ phải thử một loạt các giải pháp khả thi khác với đầy rẫy các vấn đề. Chẳng hạn như các chuyến tàu thử nghiệm chở ngũ cốc từ Ukraine qua Ba Lan đến Litva đã mất đến ba tuần vì sự đa dạng của kích thước đường ray tại các nước, đòi hỏi hàng hóa phải được chất lên chất xuống nhiều lần.

Một chuyến tàu hàng vận chuyển bồ tạt từ Belarus đến cảng Klaipeda ở Lithuania, vào tháng Giêng.
Một chuyến tàu hàng vận chuyển từ Belarus đến cảng Klaipeda ở Litva. Ảnh: NY Times.

Những người nông dân cũng tỏ ra hoài nghi về giải pháp này. Vì việc di chuyển toàn bộ số ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine bằng tàu hỏa sẽ cần khoảng 400.000 toa xe. Nếu xếp những toa xe liền kề nhau, nó sẽ dài đến 7.500 km.

Ông Roman Slaston, người đứng đầu việc vận động hành lang nông nghiệp cho Ukraine, nói rằng xe tải có thể là một lựa chọn tốt hơn. Mục tiêu của ông là đưa ra 40.000 tấn mỗi ngày bằng xe tải, tức là cần khoảng 1.000 xe.

Nhưng với việc các sân bay và cảng biển bị đóng cửa, và quá nhiều xe tải trên đường, các cửa khẩu biên giới đã trở nên tắc nghẽn với các phương tiện giao thông.

Trong khi đó, nông dân Ukraine đang tự giải quyết vấn đề bằng cách mua các túi chứa, bao nhựa dài có thể đựng khoảng 5.000 đến 6.000 tấn ngũ cốc, ông Husak Bohdan, một nhà nông học tại trang trại Biorena cho biết.

Còn ông Holovanych từ trang trại Zakhidinyi Buh cho biết, giải pháp tạm thời như vậy khiến ông thất vọng. "Chúng tôi không trồng lương thực để dự trữ", ông nói. "Người dân ở châu Phi sẽ bị đói, còn ngũ cốc của chúng tôi chất đống trên các cánh đồng".

Có thể bạn quan tâm:

Có thể bạn quan tâm: Lựa chọn nào để Nga giải quyết hàng tỉ USD dầu "ế"?

Nguồn The New York Times