Phương Tây lộ kế hoạch tấn công quân sự vào Syria?
Theo đó, các chỉ huy quân sự đang phác thảo danh sách các mục tiêu tiềm năng để tấn công, trong một chiến dịch tương tự với giai đoạn mở đầu trong cuộc can thiệp của phương Tây vào Libya để lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Trong chiến dịch đó, các lực lượng phương Tây đã sử dụng không quân và hải quân để yểm trợ cho các chiến binh nổi dậy trên mặt đất, chứ không trực tiếp đổ quân vào Libya.
Thông tin này được đưa ra ngay sau khi ngoại trưởng Anh William Hague và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng không nhất thiết phải có sự thông qua của Liên Hợp Quốc để xúc tiến hành động can thiệp vào Syria.
Trước đấy, các nguồn tin quân sự cho biết Hải quân Mỹ đang tăng cường số lượng tàu khu trục mang tên lửa hành trình tại Địa Trung Hải từ ba lên bốn tàu bằng việc trì hoãn đưa tàu khu trục lớp Arleigh Burke, USS Mahan trở về Mỹ.
Trong khi đó, tàu sân bay USS Harry S Truman, tàu chiến mạnh nhất trong khu vực, đã rời Địa Trung Hải vào cuối tuần trước và đi qua Kênh đào Suez vào Biển Đỏ. Theo các chuyên gia quốc phòng, tàu này vẫn có thể tấn công Syria từ phía Nam Suez. Ngoài các máy bay tấn công trên tàu Truman, những tàu hộ tống của tàu khu trục này cũng có khả năng bắn tên lửa hành trình Tomahawk.
Kể từ đầu năm nay, Mỹ hiện có nhiều máy bay tiêm kích F-16 tại Jordan và một căn cứ không quân lớn tại Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi có khả năng chứa hàng loạt máy bay phục vụ cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn.
Trong khi đó, sau khi hoàn thành tân trang vài tuần trước, tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp hiện sẵn sàng hoạt động. Các quan chức cho biết tàu này hiện neo đậu tại cảng Toulon ở Địa Trung Hải.
Ngoài ra, Pháp cũng có các máy bay tiêm kích Rafale và Mirage tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), qua đó cũng có khả năng tấn công tới Syria.
Do không có tàu sân bay nào sẵn sàng hoạt động, nên nhiều khả năng Anh sẽ phụ thuộc vào các tàu ngầm tấn công lớp Trafalgar và Astute mang tên lửa hàng trình khi London muốn gia nhập một chiến dịch do Mỹ đứng đầu.
Theo các nguồn tin quốc phòng, Hải quân Hoàng gia Anh đã giữ ít nhất một trong những tàu ngầm trên tại Địa Trung Hải trong những tháng gần đây cũng một phần vì lý do này.
Hiện Anh không có máy bay chiến đấu nào trong khu vực, mặc dù nước này về mặt lý thuyết có thể điều động máy bay từ các căn cứ tại Cộng hòa Síp nếu được chính quyền đảo quốc này đồng ý.
Nguồn Vietnam+