Chủ Nhật | 28/10/2012 17:26

Phụ nữ Nhật Bản có thể cứu nguy cho nền kinh tế?

Trong bối cảnh dân số già tăng và tỷ lệ sinh giảm, phụ nữ được coi là nguồn lao động hiệu quả giúp cứu vãn nền kinh tế Nhật Bản.
Như bao phụ nữ Nhật Bản khác, Fumiko Hayashi tham gia vào lực lượng lao động ngay sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1965, và những công việc đầu tiên cô được phép làm chỉ là những công việc đơn giản với tư cách là trợ lý của một nam giới.

Tuy nhiên, cho đến hôm nay, bà đã trở thành thị trưởng của thành phố Yokohama và là một trong những phụ nữ quyền lực nhất Nhật Bản với một bản sơ yếu lý lịch đầy ấn tượng.

Trước khi trở thành một chính trị gia, bà Hayashi từng giữ chức chủ tịch của Tokyo Nissan Auto Sales, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của công ty bán lẻ Daiei, chủ tịch của BMW Tokyo kiêm người đứng đầu của Fahren Tokyo (nay là hãng Volswagen).

Tỷ lệ quản lý nữ tại các công ty Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với nam giới. (Nguồn: Gafin)
Tỷ lệ quản lý nữ tại các công ty Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với nam giới. (Nguồn: Gafin)

Tuy nhiên, hành trình đó của bà là cả một chặng đường vô cùng gian nan.

"Tôi muốn giữ những trách nhiệm ngang bằng với nam giới, do đó tôi liên tục thay đổi công việc và cuối cùng trở thành một nhân viên bán hàng tại Honda", bà Hayashi cho biết trong buổi phỏng vấn với đài BBC.

Những trường hợp như bà Hayashi là khá hiếm, song có một sự thật rằng tất cả những công ty mà bà làm việc đều là các công ty không do người Nhật Bản quản lý. Quả thực, việc một người phụ nữ kiếm được một chỗ đứng tại các công ty có quản lý là người Nhật Bản là điều hoàn toàn không dễ dàng.

Trong nhiều năm qua, mặc dù số lượng phụ nữ đóng vai trò quản lý tại các doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tăng lên đáng kể, song so với nam giới vẫn thấp hơn rất nhiều. "Các quản lý nữ ở Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số toàn quản lý trên khắp đất nước", bà Hayashi cho biết.

Đó cũng là một trong muôn vàn lý do vì sao Nhật Bản được xếp vào một trong những quốc gia có kém bình đẳng giới nhất thế giới. Trong báo cáo về bất bình đẳng giới của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Nhật Bản chỉ xếp thứ 101 trên tổng số 135 quốc gia. Trong một cuộc thăm dò khác của Thompson Reuters Foundation, trong nhóm G20, Nhật Bản cũng nằm trong số những quốc gia tồi tệ nhất đối với phụ nữ.

Cũng theo báo cáo của WEF, nếu tính riêng tại châu Á, khi xét về số lượng các nhà lập pháp nữ, các quan chức cấp cao và các quản lý, Nhật Bản cũng là quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng.

Mặc dù chính phủ đã đầu tư mạnh vào giáo dục dành cho nữ giới, song Nhật Bản, cùng những quốc gia khác như Qatar, Mexico và Ảrập Xêút vẫn là quốc gia chưa khai thác hết nguồn lao động nữ có năng lực và được đào tạo tốt. Báo cáo của WEF cũng khuyến nghị Nhật Bản nên tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động để bù đắp những khó khăn cho nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê mới đây của chính phủ, tỷ lệ phụ nữ có việc làm đang đạt mức cao kỷ lục, 60,1%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với nam giới, hơn 80%.

Các nhà phân tích cho rằng, khoảng cách chênh lệch trên chính là một cơ hội cho chính phủ Nhật Bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Chiến lược gia tại Goldman Sachs, bà Kathy Matsui, nói: "Nếu có thể bù lấp khoảng cách giới, ước tính lực lượng lao động Nhật Bản có thể có thêm 8,2 triệu việc làm".

Kể từ năm 1999, bà Matsui cũng nhiều lần viết về tầm quan trọng của phụ nữ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Trong báo cáo mới nhất, bà cho rằng sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động sẽ giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản tăng 15%. Điều này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, trong đó có cả giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde.

Trong cuộc họp thường niên của IMF và World Bank, bà Lagarde đã nói với các phóng viên rằng: "Phụ nữ thực sự có thể cứu nguy cho Nhật Bản".

Ước tính phụ nữ Nhật Bản sẽ giúp GDP đất nước tăng tới 15%.
Ước tính phụ nữ Nhật Bản sẽ giúp GDP đất nước tăng tới 15%.
"Hiện tại, cứ 10 phụ nữ Nhật Bản thì có 5 người không tham gia vào thị trường việc làm, trái ngược với nam giới, khi chỉ có 2 trong tổng số 10 đàn ông thất nghiệp".

Trong khi một số nhà phân tích cho rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt việc làm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mờ nhạt trong những năm gần đây, bà Matsui của Goldman Sachs lại cho rằng việc dân số già đi đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trong tương lai.

Trong báo cáo của mình, bà Matsui cho biết tỷ lệ người già trong dân số Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi vào năm 2055 so với thời điểm 2005, đồng nghĩa số lượng công nhân sẽ giảm một nửa. Bà cho biết số lượng trẻ em được sinh ra cũng sẽ giảm 40% trong thời kỳ này, góp phần làm giảm lượng lao động tiềm năng. Do đó, để cứu vãn kinh tế, chính phủ Nhật Bản nhất thiết phải huy động cả phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Tuy nhiên, tăng cường số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động chỉ là bước đầu tiên, vì vẫn còn nhiều thách thức khác vẫn ở phía trước. Theo nghiên cứu, khoảng 70% phụ nữ Nhật Bản sẽ rời khỏi lực lượng lao động sau khi sinh đứa con đầu tiên và thường họ sẽ không trở lại làm việc. "Đó gần như là một truyền thống đối với phụ nữ Nhật Bản", bà Matsui nói.

Theo bà Matsui, cốt lõi của vấn đề này là các dịch vụ y tế và chăm sóc trẻ của Nhật Bản khiến phụ nữ không yên tâm và họ nghỉ việc để dành toàn thời gian chăm sóc tốt hơn cho con cái.

Báo cáo từ Goldman Sachs cũng cho biết, chưa đầy 1/3 trẻ em ở Nhật Bản ở độ tuổi dưới 3 được gửi đến các trung tâm giữ và chăm sóc trẻ, thấp hơn nhiều so với Đan Mạnh (63%), Pháp (43%) và Mỹ (40%).

Bà Matsui cho biết chính phủ Nhật Bản mới đây đã thực hiện một loạt cải tiến nhằm mở rộng số lượng các cơ sở giữ trẻ, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Do đó, để họ yên tâm trở lại làm việc, nhất thiết phải cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế và trẻ em, bà Matsui cho biết.

Nguồn BBC/Khampha


Sự kiện