Phụ nữ dự kiến sẽ kiểm soát 34 nghìn tỉ USD tài sản có thể đầu tư vào năm 2030. Ảnh: Bloomberg.
Phụ nữ dẫn đầu xu hướng quản lý tài sản
Phụ nữ trên toàn thế giới đang kiểm soát lượng tài sản ngày càng lớn, tạo nên những thay đổi đáng kể trong ngành quản lý tài sản và lĩnh vực từ thiện. Tại Mỹ, theo báo cáo của McKinsey & Co., phụ nữ dự kiến sẽ kiểm soát 34 nghìn tỉ USD tài sản có thể đầu tư vào năm 2030, gần gấp đôi so với năm trước và tăng mạnh từ 7,3 nghìn tỉ USD, tương đương 29% cách đây một thập kỷ.
Sự thay đổi này chủ yếu đến từ hai yếu tố: tuổi thọ cao hơn và vị thế nghề nghiệp ngày càng vững chắc. Phụ nữ thế hệ Baby Boomer thường sống lâu hơn nam giới trung bình 5 năm, giúp họ thừa kế phần lớn tài sản gia đình. Đồng thời, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào các ngành nghề có thu nhập cao, củng cố thêm vị thế tài chính.
“Phụ nữ đang dần trở thành những người đảm nhận vai trò chính về tài chính gia đình, nhờ thừa kế, ly hôn, hoặc sự thành công trong sự nghiệp. Họ đang giữ vai trò lãnh đạo trong các quyết định tài chính”, ông Casey Jorgensen, lãnh đạo tại Dynasty Financial Partners, nhận định.
So với 50 năm trước, khi phụ nữ Mỹ thậm chí không thể tự mở tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, đây là một bước tiến dài. Ngày nay, thế giới có hàng trăm phụ nữ siêu giàu, với ít nhất 62 người trong số đó là tỉ phú, kiểm soát khoảng 11% tổng tài sản 9,9 nghìn tỉ USD do Bloomberg Billionaires Index thống kê.
Tuy nhiên, khoảng cách giới vẫn còn đáng kể. Phụ nữ chỉ kiếm được 84% thu nhập của nam giới và chỉ chiếm 12% các vị trí điều hành cấp cao tại các công ty niêm yết. Trong khi tỉ lệ tài sản do phụ nữ kiểm soát đã tăng mạnh trong thập kỷ qua, năm ngoái con số này vẫn dưới 35%.
Ngành quản lý tài sản, vốn lâu nay phục vụ chủ yếu cho nam giới, đang phải thích ứng để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng mới. Phụ nữ ở mọi độ tuổi có xu hướng quyên góp từ thiện nhiều hơn nam giới, mở ra cơ hội lớn cho các tổ chức từ thiện.
Tỉ lệ phụ nữ siêu giàu trên toàn cầu, những người sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên, đã tăng từ 6,5% vào năm 2010 lên 11% vào năm 2023, theo Julius Baer. Điều này đến từ cả tài sản thừa kế và sự nghiệp tự thân.
Tại Tây Âu, phụ nữ hiện nắm giữ khoảng 1/3 tổng tài sản quản lý, tương đương 4,6 nghìn tỉ euro. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 45% vào năm 2030. Theo McKinsey, tài sản của phụ nữ đang tăng trưởng 8,1% mỗi năm, vượt xa mức 2,7% của nam giới. Với tốc độ này, phụ nữ có thể đạt gần mức ngang bằng với nam giới vào đầu những năm 2030, theo dự báo của công ty tư vấn này.
“Đây là một cơ hội kinh tế lớn cho các tổ chức tài chính nếu biết cách đáp ứng nhu cầu của phụ nữ. Nhưng câu hỏi là, liệu chúng ta đã làm đủ tốt chưa?”, bà Beth Viner, Giám đốc Điều hành tại Boston Consulting Group, đặt vấn đề.
Động lực quyên góp cũng khác biệt giữa hai giới, theo nghiên cứu của Trường Gia đình Lilly về Hoạt động Từ thiện tại Đại học Indiana. Phụ nữ thường quyên góp dựa trên sự đồng cảm, trong khi nam giới thường quyên góp để phục vụ lợi ích cá nhân. Phụ nữ cũng có xu hướng phân bổ các khoản quyên góp của mình cho nhiều tổ chức hơn.
Bà Carey Shuffman, Giám đốc Điều hành và lãnh đạo phân khúc khách hàng nữ tại UBS, cho biết các nhóm tuổi có sự khác biệt lớn trong mục tiêu quyên góp. Phụ nữ thuộc thế hệ Millennials đặc biệt quan tâm đến các vấn đề công bằng xã hội, bình đẳng và biến đổi khí hậu, trong khi phụ nữ thế hệ Baby Boomer lại tập trung vào các tổ chức tôn giáo và giảm nghèo.
Phụ nữ thường ưu tiên sự minh bạch và tính hợp tác trong kế hoạch tài chính. Họ không chỉ muốn đầu tư mà còn muốn hiểu rõ chiến lược phù hợp với giá trị và mục tiêu cá nhân. Tuy nhiên, chỉ 24% nhà hoạch định tài chính được chứng nhận là phụ nữ (dữ liệu năm 2024), tạo áp lực cho ngành phải cải thiện cơ cấu nhân sự.
Trong đầu tư, phụ nữ thường thận trọng hơn nam giới. Theo nghiên cứu của Fidelity năm 2024, chỉ 71% phụ nữ báo cáo sở hữu cổ phiếu, so với 80% ở nam giới. Tuy nhiên, con số này đã tăng đáng kể từ 44% vào năm 2018. “Phụ nữ rất giỏi tiết kiệm, nhưng sự e ngại rủi ro lại vô tình làm gia tăng khoảng cách tài sản”, ông Ryan Viktorin, Chuyên gia tài chính tại Fidelity, cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
Các bữa ăn tạo “áp lực” cho túi tiền của người dân Nhật Bản
Nguồn Bloomberg