Phố Wall tuần này chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống
Các cuộc thăm dò quốc gia cho thấy khoảng cách giữa hai ứng cử viên tổng thống đang khá sít sao, song cán cân chiến thắng vẫn nghiêng đôi chút sang tổng thống Obama.
Nhà chiến lược cấp cao tại Viện nghiên cứu đầu tư Schaeffer ở Cincinnati, ông Ryan Detrick, cho biết: "Thị trường có thể có thể mong muốn ông Obama giành chiến thắng nhiều hơn, bởi chiến thắng của ông đồng nghĩa sẽ có ít bất ổn hơn đối với nền kinh tế".
Các chiến lược gia cũng cho biết mô hình thị trường những tháng cuối năm cũng cho thấy một điều gần như chắc chắn - ông Obama sẽ giành chiến thắng. Cuộc thăm dò gần đây nhất do hãng Reuters/Ipsos thực hiện chỉ ra rằng cả hai ứng cử viên đều thu hút được 46% số phiếu bầu, song ông Obama đang giành lợi thế khi dẫn đầu trong các cuộc bỏ phiếu tại những bang quan trọng như Ohio, Virginia và Iowa.
Trước đó, từng có lời kêu gọi người Mỹ nên bỏ phiếu cho ông Romney - một doanh nhân giàu kinh nghiệm - với lý do chiến thắng của ông sẽ tốt hơn cho thị trường chứng khoán, bởi ông hứa hẹn sẽ hạn chế các quy định và giảm thuế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, như các nhà kinh tế đã nói bất kỳ động thái nào trên thị trường, dù kết quả có ra sao, đều có khả năng bị giới hạn.
Nhà chiến lược thị trường toàn cầu tại JP Morgan, ông Joseph Tanious, cho biết: "Thị trường dường như đang chờ đợi chiến thắng của ông Obama. Tuy nhiên, dù kết quả có như thế nào, điều khiến nhiều người quan tâm chính những phản ứng của thị trường ngay sau khi kết quả được công bố".
Ông Tanious cũng cho rằng "vách đá tài chính" cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, song nó chỉ thực sự nhận được nhiều sự chú ý khi cuộc bầu cử kết thúc, bởi đến khi đó người giành chiến thắng mới làm rõ vách đá tài chính thực chất là như thế nào.
Ngoài ra, một vấn đề khác khiến nhiều người chú ý chính là những thay đổi tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Kể từ khi nước Mỹ rơi vào suy thoái năm 2009, nền kinh tế Mỹ đã thực sự có những bước phục hồi đáng kể, phần lớn là nhờ những quyết sách khá quyết liệt của Fed.
Kể từ khi khủng hoảng nổ ra, Fed đã áp dụng tới 3 gói nới lỏng định lượng - hay còn gọi là QE1, QE2 và QE3 - nhằm mục tiêu giữ lãi suất thấp và kích thích nền kinh tế trong bối cảnh quá trình phục hồi tỏ ra khá ì ạch kể từ khủng hoảng 2009.
Mặc dù vậy, ông Romney tỏ ra không đồng tình và chỉ trích khá mạnh mẽ những chính sách của Fed, đồng thời kêu gọi thay thế chủ tịch Ben Bernanke bằng một người khác có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
"Nếu Romney giành chiến thắng, nhiều khả năng ông sẽ cho chấm dứt chương trình kích cầu của Fed, và đó chính là cội nguồn của sự bất ổn", ông Ryan Detrick nhận định.
Có thể nói, lập trường cũng như chính sách hiện tại của Fed được xem như một sự ủng hộ với ông Obama. Mới đây, các dữ liệu kinh tế cho thấy niềm tin tiêu dùng Mỹ đã lên cao nhất 4 năm, trong khi giá nhà đất cũng bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng khá cao (7,9%), và tình trạng thiếu những việc làm tốt và ổn định đang hạn chế khá nhiều tốc độ tăng trưởng của nước Mỹ.
Theo các nhà phân tích, dù kết quả cuộc bầu cử ngày 6/11 có như thế nào, sự chú ý của thị trường sẽ lập tức chuyển sự chú ý sang chương trình cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trị giá 600 tỷ USD, bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới. Nhiều người lo ngại, chương trình này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận để ngăn chặn nó. Thậm chí, một số người còn lên tiếng cảnh báo nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới nếu quốc hội không tìm được biện pháp ngăn chặn vách đá tài chính.
Nguồn Reuters/Khampha