Thứ Bảy | 14/11/2015 06:55

Phố Wall tiếp tục giảm điểm, ghi nhận tuần tồi tệ nhất 2 tháng qua

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên 13/11 do đà bán tháo cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu của hàng tổng hợp giảm do lo ngại về mùa mua sắm sắp tới.

Sau khi mở cửa, các chỉ số của chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi thị trường lo ngại về báo cáo cho thấy vụ xả súng khiến khoảng 40 người chết tại Paris.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 1,16% xuống 17.245,24 điểm, chỉ số S&P 500 mất 1,12% xuống 2,023,04 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,54% xuống 4.927,88 điểm.

Khoảng 7,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ, cao hơn so với 7,1 tỷ cổ phiếu bình quân trong 20 phiên giao dịch vừa qua, theo số liệu của Thomson Reuters.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm hơn 3% trong tuần, chấm dứt đà tăng bắt đầu từ tháng 10 vừa qua và ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 8 khi lo ngại về sức khỏe kinh tế Trung Quốc và thị trường chứng khoán kéo giảm giá tài sản toàn cầu.

Cả tuần, Dow Jones mất 3,7%, S&P giảm 3,6% và Nasdaq giảm 4,3%. Từ đầu năm đến nay, S&P 500 giảm 2%.

9 trong số 10 lĩnh vực chính của S&P 500 giảm trong phiên cuối tuần 13/11, dẫn đầu là lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu, giảm 2,65%.

Chỉ số công nghệ S&P 500 giảm 2,01% khi cổ phiếu Apple giảm 2,92% và cổ phiếu Facebook giảm 3,77%.

Cổ phiếu Cisco giảm 5,8% sau khi đưa ra dự báo không mấy khả quan do số đơn hàng sụt giảm.

Cổ phiếu của các hãng bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng sau báo cáo đáng thất vọng của các chuỗi cả hàng tổng hợp. Sau khi Macy’s hạ dự báo doanh thu hôm thứ Tư 11/11, Nordstrom cũng có hành động tương tự hôm thứ Năm 12/11.   

Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 10 không tăng như dự đoán, cho thấy chi tiêu dùng đang chậm lại.

Cổ phiếu hàng tiêu dùng là điểm sáng trong năm nay khi giá hàng hóa giảm, lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc và đồn đoán Fed nâng lãi suất ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các loại cổ phiếu, nhất là nguyên vật liệu, năng lượng và công nghiệp.

Phan Nguyễn

Nguồn Reuters