Phố Wall mất điểm do lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Sự bất ổn về việc liệu Fed có nâng lãi suất trong năm nay hay không cũng kéo giảm giá cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ, khiến chỉ số tài chính S&P giảm 2,6%. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã giảm 14,6%, hoạt động yếu kém nhất trong 10 lĩnh vực thuộc S&P. Chỉ số tài chính đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh hồi tháng 7/2015, đẩy lĩnh vực này ngấp nghé thị trường giá xuống.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 177,92 điểm, tương ứng 1,1%, xuống 16.027,05 điểm, chỉ số S&P 500 mất 26,61 điểm, hay 1,42%, xuống 1.853,44 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 79,39 điểm, tương đương 1,82%, xuống 4.283,75 điểm.
Khoảng 10,6 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ, cao hơn so với 9,4 tỷ cổ phiếu bình quân trong 20 phiên giao dịch vừa qua, theo số liệu của Thomson Reuters.
Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất 1 năm qua.
Cổ phiếu Morgan Stanley giảm 6,9%, ghi nhận mức giảm một ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2012 trong khi cổ phiếu Goldman Sachs giảm 4,6% xuống thấp nhất kể từ năm 2013.
Cổ phiếu Facebook, Amazon và các công ty công nghệ khác tiếp tục nối dài đà giảm từ phiên thứ Sáu 5/2. Cổ phiếu Amazon giảm 2,8% trong khi cổ phiếu Facebook giảm 4,2%.
Đà bán tháo cổ phiếu năng lượng đảo chiều vào cuối phiên, giúp chỉ số năng lượng S&P tăng 0,1% và S&P 500 thoát khỏi mức đáy của phiên.
Tuy nhiên, cổ phiếu Chesapeake Energy vẫn giảm 3,3% sau khi Reuters đưa tin công ty khí đốt tự nhiên này đã thuê hãng tư vấn Kirkland & Ellis xem xét việc tái cấu trúc.
Giá dầu giảm cùng với lo ngại về đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã gây ra tình trạng bán tháo ồ ạt cổ phiếu từ đầu năm đến nay. Giới đầu tư đang tìm chất xúc tác có thể thay đổi diễn biến trên thị trường.
Phan Nguyễn
Nguồn Reuters