Phố Wall lao dốc do bán tháo vì khủng hoảng nợ Hy Lạp
Phiên 29/6, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, xóa sạch mức tăng trong năm nay do khủng hoảng nợ Hy Lạp gây chấn động thị trường toàn cầu và đẩy nước này tiến gần hơn đến khả năng ra khỏi khu vực eurozone.
Chứng khoán Mỹ lao dốc khi Hy Lạp đóng cửa hệ thống ngân hàng và ngân hàng trung ương nước này áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn dòng tiền rút khỏi nước này. Hôm thứ Hai, một quan chức chính phủ Hy Lạp tuyên bố, nước này không thể thanh toán được khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF vào ngày 30/6.
Tình trạng bán tháo tăng mạnh. Khoảng 7,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ, cao hơn so với mức trung bình 6,3 tỷ cổ phiếu tính đến thời điểm hiện tại của tháng, theo số liệu của BATS Global Markets.
Chốt phiên 29/6, Chỉ số Dow Jones giảm 350,33 điểm, hoặc 1,95%, xuống 17.596,35 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2014. Chỉ số S&P 500 giảm 43,85 điểm, tương ứng 2,1%, xuống 2.057,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 122,04 điểm, hoặc 2,4%, xuống 4.958,47 điểm.
Cả 10 lĩnh vực S&P 500 theo dõi đều giảm trong phiên 29/6 với cổ phiếu tài chính, tiêu dùng và nguyên liệu thô giảm mạnh nhất với mức giảm hơn 2,3%.
Cổ phiếu JPMorgan Chase giảm 2,5%, cổ phiếu Wells Fargo giảm 2,4%, Goldman Sachs giảm 2,6%. Trong khi đó, cổ phiếu Charles Schwab Corp và Morgan Stanley đều giảm hơn 3%.
Bên cạnh khủng hoảng nợ Hy Lạp, giới đầu tư cũng tỏ ra lo ngại về khả năng trả nợ của Puerto Rico sau khi Thống đốc ngân hàng trung ương cho biết quốc đảo này không thể thanh toán được các khoản nợ lên đến 72 tỷ USD.
Hơn nữa, thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục suy yếu, giảm 20%. Mặc dù Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải hạ lãi suất cơ bản hôm cuối tuần trước, nhưng không giúp được gì nhiều cho cổ phiếu nước này.
Những diễn biến về tình hình nợ Hy Lạp đã dẫn dắt hoạt động trên thị trường chứng khoán Mỹ trong những phiên gần đây. Tuy khủng hoảng nợ Hy Lạp và việc nước này có khả năng phải ra khỏi eurozone không làm thay đổi viễn cảnh của hầu hết các công ty Mỹ, nhưng sự bất ổn này đang khiến giới đầu tư Mỹ lo ngại. Và điều này diễn ra vào thời điểm nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc cổ phiếu đang bị định giá quá cao, tăng trưởng doanh thu chậm chạp và khả năng Fed nâng lãi suất trong năm nay.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ/Reuters/Bloomberg