Thứ Hai | 30/07/2012 05:28

Phố Wall dõi theo quyết định của ECB và Fed

Cả Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đều họp mặt tuần này khi nhà đầu tư kỳ vọng thêm các kích thích.
Các dữ liệu kinh tế yếu kém cùng lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ đáng thất vọng đồng nghĩa với động thái từ các ngân hàng trung ương sẽ là hy vọng lớn nhất cho thị trường chứng khoán. Theo các nghiên cứu, giá cổ phiếu thường có xu hướng tăng mạnh vài giờ trước tuyên bố của Fed.

Hơn nữa, tuần này các nhà đầu tư còn mong chờ kết quả cuộc họp ECB tiến hành sau tuyên bố chính sách tiền tệ của Fed một ngày. Chủ tịch ECB Mario Draghi tuần trước tuyên bố ECB sẵn sàng làm mọi cách cần thiết, trong phạm vi khả năng để cứu khu vực đồng euro (eurozone).

Động thái này làm dấy lên hy vọng ECB có thể khởi động lại chương trình hỗ trợ thị trường (Securities Markets Programme) mua thêm trái phiếu nhằm làm giảm lãi suất vay mượn của Tây Ban Nha và Italia. Tuy nhiên, ông Draghi có thể thuyết phục Ngân hàng trung ương Đức hay không vẫn chưa thể biết được.

Nhiều tuần qua, thị trường chứng khoán liên tục bám vào hy vọng các biện pháp kích thích từ Fed hay ECB. Bất chấp các dữ liệu kinh tế yếu đi, bao gồm cả báo cáo về thị trường lao động và lợi nhuận doanh nghiệp bi quan, S&P 500 tăng 7 trong số 10 tuần gần đây, và đóng cửa hôm thứ 6 tuần trước (27/7) cao nhất trong gần 3 tháng.

Tuần này cũng tiếp nối mùa báo cáo kết quả tài chính với kết quả lợi nhuận quý các công ty lớn của S&P 500 gồm: AIG, Kellogg, P&G, Kraft Foods, MasterCard, và General Motors.

Trong số 290 công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2012, có khoảng 67% có lợi nhuận vượt kỳ vọng các nhà nghiên cứu, cao hơn tỷ lệ trung bình dài hạn 62% một chút. Tuy nhiên, chỉ 40% có doanh thu vượt kỳ vọng các các nhà nghiên cứu, thấp nhất kể từ quý I/2009.

Điều đáng lo ngại hơn là triển vọng thị trường. Lợi nhuận quý III/2012 các công ty được dự đoán giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, so với dự đoán tăng 1,4% hồi tuần trước nữa, theo số liệu của Thomsom Reuters.

Một vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nữa là cuộc chiến pháp lý về bản quyền giữa Apple và Samsung. Kết quả tranh chấp có thể thay đổi thị trường smartphone và máy tính bảng thế giới.

Đồng thời trong tuần, chính phủ Trung Quốc sẽ công bố số liệu chỉ số quản lý mua hàng PMI tháng 7 ngày 1/8. Cùng ngày, HSBC xác nhận lại số liệu PMI tháng 7 sơ bộ đưa ra tuần trước. Tuần trước, chỉ số PMI sơ bộ HSBC chỉ ra sản xuất Trung Quốc giảm chậm hơn trong tháng 7 sau khi tăng lên 49,5 từ 48,2 tháng 6, cao nhất 5 tháng. PMI của HSBC khảo sát hơn 420 công ty, và hướng tới các doanh nghiệp nhỏ hơn khảo sát chính thức của Trung Quốc.

a

Nguồn Reuters, FT/ DVT


Sự kiện