Các giải pháp cho ngân sách đang rơi vào thế bế tắc, hậu quả nhỡn tiền là việc chính phủ Mỹ đã đóng cửa một tuần qua, lâu hơn thời gian các nhà đầu tư dự đoán. Nâng trần nợ là mối quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư vào thời điểm này.
Mặc dù các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cao hơn vào ngày thứ sáu (4/10), nhưng S&P 500 vẫn mất điểm tính chung cả tuần.
Vấn đề lớn hơn đối với các nhà đầu tư đó là các nỗ lực giải quyết vấn đề ngân sách có thể bị cản trở bởi vấn đề nâng giới hạn nợ. Nếu không nâng trần nợ 16,7 nghìn tỷ USD thì Mỹ sẽ vỡ nợ.
Bộ Tài chính đã cảnh báo Mỹ sẽ hết thẩm quyền vay nợ sau ngày 17/10. Chủ tịch Hạ viện, ông John Boehner đã thảo luận với các thành viên trong đảng Cộng hòa rằng ông sẽ cố gắng để tránh khả năng Mỹ vỡ nợ, đó là một trong những lý do khiến chứng khoán tăng điểm vào thứ sáu tuần trước. Song cũng khó có căn cứ để tin lời nói "vỗ về" này là một giải pháp.
Cuộc chiến ngân sách đã ngăn đà tăng của thị trường vốn đã có phiên chốt cao kỷ lục vào ngày 18/9 khi Fed quyết định giữ nguyên kế hoạch kích thích kinh tế. Kể từ đó S&P 500 đã mất 2% kể từ ngày đó.
Cổ phiếu của các công ty năng lượng niêm yết trên sàn S&P 500 mất điểm nhiều nhất kể từ ngày chính phủ ngừng hoạt động. Bên cạnh đó các ngành kinh doanh bất động sản, ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ nghề nghiệp và sản phẩm tài chính cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, theo nghiên cứu của tập đoàn Bespoke Investment.
Ngành bất động sản phụ thuộc vào tỷ lệ lãi suất, nếu chính phủ vỡ nợ, lãi suất có thể tăng. Cổ phiếu ngành bất động sản giảm 0,8%. Ngành năng lượng mất 0,7%. Cổ phiếu của nhà thầu xây dựng DR Horton cũng giảm 4,6% từ phiên chốt ngày thứ hai tuần trước.
Lý do S&P 500 giảm điểm còn bởi nền kinh tế yếu hơn những suy đoán của nhà đầu tư, thêm vào đó Fed đã hạ dự đoán triển vọng kinh tế Mỹ cả năm 2013 và 2014.
Các nhà đầu tư e ngại rằng chính phủ Mỹ đóng cửa có thể đe dọa đến khả năng phục hồi kinh tế vốn đã mong manh. Một số chuyên gia phân tích thậm chí còn cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị đẩy vào hố sâu suy thoái.
Natalie Trunow, giám đốc đầu tư cổ phiếu của Calvert Investment Management cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục mất điểm trong thời gian tới.
Tình hình tồi tệ hơn nữa khi chính phủ Mỹ đóng cửa cũng đồng nghĩa với việc tạm ngưng công bố dữ liệu quan trọng. đơn cử như báo cáo về việc làm hàng tháng, trong khi nếu như bình thường, báo cáo này sẽ được công bố vào thứ sáu tuần qua.
Như vậy, không có những dữ liệu cần thiết để chỉ dẫn các nhà đầu tư, do đó rất khó để họ nắm bắt được những diễn biến xung quanh chính sách tiền tệ của Fed.
Vào tuần tới, dữ liệu do các nhà cung cấp độc lập đưa ra, như chỉ số niềm tin tiêu dùng do Thomson Reuters và Đại học Michigan khảo sát vẫn được kỳ vọng, bên cạnh biên bản họp gần nhất của Fed.
Đồng thời, các nhà đầu tư sẽ được biết lợi nhuận trong quý III của các công ty hàng thuộc nhóm S&P 500, trong đó kết quả kinh doanh từ JP Morgan Chase và Wells Fargo sẽ công bố vào cuối tuần. Kết quả của Alcoa cũng sẽ được công bố trong tuần này.
Các nhà đầu tư nhận thấy S&P 500 xuống dưới đường trung bình động (moving average) 50 ngày, điều này cho thấy chỉ số này sẽ còn giảm tiếp. Thực tế, S&P 500 xuống dưới ngưỡng này vào hôm thứ Năm nhưng phục hồi lên 1679 điểm phiên sau sau đó. "Nếu tiếp tục dưới ngưỡng đường trung bình động 50 ngày, thì S&P 500 có thể xuống 1.630 điểm", ông Frederick nhận định.