Philippines: Tự tin tạo nên sự thần kỳ
Vậy điều gì đã làm nên sự thần kỳ của Phipplines? Yếu tố quan trọng đầu tiên là Philippines may mắn có một chính phủ mạnh với người đứng đầu là tổng thống Benigno Aquino, người đã mang lại niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp sau nhiều năm nước này phải liên tục đối phó với các cuộc khủng hoảng chính trị. Chính phủ của tổng thống Aquino đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, giảm tham nhũng, đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà đặc biệt cải thiện phần nào nút thắt thiếu hụt điện năng.
Thêm vào đó với lợi thế nói tiếng Anh rất tốt, lĩnh vực gia công công nghệ thông tin của Philippines đã tăng trưởng gấp đôi giai đoạn 2008-2013, với doanh thu/năm lên đến mức 13,3 tỉ USD. Một nhân tố khác đóng góp vào sự thành công của nền kinh tế Phillippines là kiều hồi khi chỉ trong năm ngoái đã lên đến 25 tỉ USD.
Việc tăng trưởng mạnh mẽ của hai ngành này đã lan tỏa đến các lĩnh vực khác như thị trường bất động sản văn phòng, thương mại. Ngoài ra, ngành du lịch cũng là mũi nhọn kinh tế quan trọng cho Philippines.
Tuy vậy, những thành công trong 4 năm qua của quốc gia này là đáng ghi nhận, nhưng theo Kevin Lu, cựu giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, thành công trong ngắn hạn là chưa đủ và Phillipines sẽ cần làm sao để duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn, tức 15-20 năm tới.
Về dài hạn hơn, triển vọng của nền kinh tế Philippines sẽ phụ thuộc vào việc nước này có thành công không trong việc nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất và du lịch, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước họat động.
Hiện Philippines vẫn đang đối mặt với những thách thức không dễ giải quyết, tỷ lệ nghèo vẫn chiếm đến 28% dân số trong thi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm hiện vẫn hơn 10 triệu người và với lực lao động mới tiếp tục tăng khoảng 1,1 triệu/năm giai đoạn 2014-2016 thì rõ ràng đó là thách thức cho chính phủ Philippines.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị Đông Á lần này cũng thừa nhận, năm tới khi cộng đồng kinh tế Đông Nam Á được thành lập với quy mô dân số lên đến 600 triệu người sẽ là cơ hội cũng như tạo ra thách thức cho Phillipines trong việc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Tuy vậy, theo ông Ramon Jimenez, bộ trưởng du lịch của Phillippines, với nền tảng hiện có thì quốc gia này hoàn toàn đủ tự tin để cạnh tranh và trở thành nền kinh tế hàng đầu khu vực. Và hành động của Philippines chính là tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách, đẩy mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng cao để cạnh tranh với lợi thế chi phí thấp của Việt Nam hay nguồn tài nguyên dồi dào của Myanmar trong thời gian tới.
“Nếu chính phủ thực hiện các dự án dầu tư thông mình về cơ sở hạ tầng – bao gồm cả đường xá và cảng biển – sẽ giúp kích thích lĩnh vực xây dựng và vận tải. Và chúng cũng sẽ giúp nâng cao năng suất lao động trong các năm tới”, ông Gary Coleman, Giám đốc điều hành của Deloitte toàn cầu, nhận định.
Sơn Nguyễn