Chủ Nhật | 02/09/2012 14:12

Philippines thành điểm sáng kinh tế của ASEAN

Với lực lượng lao động trẻ, kinh tế Philippines hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và có thể tăng trưởng nhanh thứ 6 thế giới vào 2050.
Với 70 tỷ USD dự trữ ngoại hối và chỉ phải trả lãi suất thấp đối với các khoản nợ sau nhiều lần được nâng hạng tín dụng, Philippines cam kết đóng góp 1 tỷ USD cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để góp phần hỗ trợ các nền kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn.

“Đây chính là quỹ cứu trợ đã từng cứu giúp Philippines khi nước này rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng đầu những năm 1980”, đại biểu quốc hội Mel Senen Sarmiento, đại diện cho bang Western Samar, cho biết.

Ngày 4/7 vừa qua, Standard&Poor’s đã nâng mức xếp hạng tín dụng của Philippines lên gần mức khuyến khích đầu tư - mức cao nhất của quốc gia này kể từ năm 2003 và ngang bằng với Indonesia.
Philippines hiện là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 44 thế giới, theo ước tính của HSBC, nhưng nếu xu hướng hiện tại tiếp tục được duy trì, nước này có thể nhảy lên vị trí thứ 6 vào năm 2050.

Trước tín hiệu tích cực từ S&P, thị trường chứng khoán Philippines - một trong những thị trường hoạt động tốt nhất trong khu vực – đóng cửa ở mức cao kỷ lục, và đồng nội tệ, peso, cũng tăng giá lên mức cao nhất so với đồng USD trong vòng 4 năm qua.

GDP quý I/2012 của Philippines tăng 6,4%, cao hơn so với các nước khác ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc. Theo dự đoán của các nhà kinh tế học, GDP trong quý II cũng sẽ tăng trưởng với tốc độ tương tự quý I.

Frederic Neumann, nhà kinh tế học cao cấp của HSBC tại Hong Kong, cho biết “Chúng tôi đã đưa ra dự báo khá táo bạo về Philippines, nhưng tôi nghĩ là hợp lý”.

Tốc độ tăng trưởng dân số cao, từ lâu bị coi là một trở ngại trong tiến trình tiến lên sự thịnh vượng, hiện lại được xem là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Khoảng 61% dân số Philippines đang ở độ tuổi lao động, 15-64 tuổi, và tỷ lệ này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.

Theo ông Neumann, những năm tới, một số nước châu Á sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm sút dân số trong độ tuổi lao động, trong khi đó, Philippines đang nổi lên là nước có dân số trẻ. Khi chi phí lao động tại các nước khác tăng lên, Philippines vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh nhờ có lực lượng lao động dồi dào.

Rất nhiều người trong lực lượng lao động trẻ tuổi đang đóng góp sức lao động của mình cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành outsourcing Philippines, giúp đất nước này – nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi - vượt qua Ấn Độ trở thành nước cung cấp hàng đầu thế giới dịch vụ outsourcing qua điện thoại như dịch vụ chăm sóc khách hàng qua điện thoại (service call center).

Theo Ủy ban Đầu tư Philippines, năm 2011 các trung tâm chăm sóc khách hàng nước ngoài sử dụng 683.000 người Philippines và mang lại doanh thu khoảng 11 tỷ USD, tăng 24% so với năm trước. Chính phủ Philippines đang tìm cách mở rộng ngành này, và hy vọng ngành này năm 2016 sẽ mang lại doanh thu 25 tỷ USD.

Sự thịnh vượng ngày một tăng của Philippines cũng có sự đóng góp của 9,5 triệu người lao động Philippines – khoảng 10% dân số - đang làm việc ở nước ngoài. Năm 2011, kiều hối của Philippines đạt 20 tỷ USD, tăng đáng kể so với 7,5 tỷ USD năm 2003.

Tuy nhiên, Philippines đang cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đợt lũ kinh hoàng vừa qua ở nước này, nhấn chìm gần nửa thành phố Manila, đã cho thấy sự yếu kém của cơ sở hạ tầng và Philippines dễ tổn thương như thế nào trước thảm họa thiên tai – vốn thường xuyên xảy ra tại nước này.

Tuy vậy, một số quan chức chính phủ Philippines cho rằng trận lụt vừa qua có thể giúp tăng trưởng kinh tế vì việc tái thiết đòi hỏi phải tăng chi tiêu công và nước này sẽ phải thực hiện nhiều chương trình để nâng cao khả năng chống chịu tác động của thiên tai.

Một trở ngại khác Philippines đang đối mặt là chưa khai thác hết và tận dụng được lợi thế về nguồn lợi tự nhiên. Theo ước tính của chính phủ, mặc dù trữ lượng kim loại cả nước (kể cả ni-ken, sắt, đồng và vàng) đạt khoảng 21,5 tỷ tấn, nhưng nguồn lợi tự nhiên chưa bao giờ là động lực cho tăng trưởng kinh tế do quản lý khai thác kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn lo ngại rằng sự thịnh vượng hiện nay của Philippines vẫn là chưa đủ để xóa đói giảm nghèo.

Các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản thậm chí cả Thái Lan và Việt Nam, đã phát triển thành công ngành sản xuất chế tạo theo hướng xuất khẩu, giúp đưa hàng triệu người ra khỏi tình trạng đói nghèo, và làm tăng đáng kể tầng lớp trung lưu. Thông thường ngành sản xuất công nghiệp sẽ thu hút lao động từ ngành nông nghiệp. Tuy vậy, rất nhiều công ty nước ngoài mặc dù tập trung đầu tư vào châu Á nhưng lại né tránh Philippines do tình trạng bất ổn chính trị kéo dài của quốc gia này.

Lĩnh vực dịch vụ cũng góp phần phát triển kinh tế tại các thành phố ở Philippines. Tuy vậy, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á, lĩnh vực gia công mới chỉ tạo ra 1% việc làm ở Philippines, và hàng triệu nông dân ở khu vực nông thôn chưa thể tiếp cận được việc làm trong lĩnh vực này.

Rajat M. Nag, giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết: “Mặc dù ngành outsourcing của Philippines đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhưng ngành này vẫn sử dụng một phần nhỏ lực lượng lao động của nước này. Philippines cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực sản xuất chế tạo để tạo thêm việc làm”.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện