Thứ Năm | 11/09/2014 16:44

Philippines sắp trao quyền tự trị cho cộng đồng Hồi giáo

Mỹ và phương Tây ủng hộ thỏa thuận trên bởi phần nào ngăn sự nổi dậy của chủ nghĩa cực đoan đang nổi vốn có thể đe dọa đất nước họ.
Tổng thống Benigno Aquino III ngày 10/9 trình quốc hội Philippines dự luật trao quyền tự lập và điều hành chính quyền cho cộng đồng Hồi giáo ở miền nam, như một phần kế hoạch hòa bình nhằm kết thúc cuộc nổi dậy 40 năm khiến 150.000 người chết.

Hồi tháng 3, một thỏa thuận đã được ký giữa Philippines vốn nhiều công dân theo đạo Thiên Chúa, với phe nổi dậy theo đạo Hồi Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro vốn có 11.000 quân.

Theo dự luật, khu tự trị có tên Bangsamoro ở phía nam đảo Mindanao, có quốc kỳ riêng, quốc hội riêng với 60 người có quyền quyết định về các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch và giáo dục.

Khu tự trị này gồm 5 tỉnh, và chính phủ Philippines còn hứa đầu tư đặc biệt 17 tỉ peso (389 triệu USD) trong 5 năm, vì nơi đây vốn có nền kinh tế èo uột vì cuộc xung đột kéo dài.

Vùng tự trị cũng sẽ được phân chia doanh số lớn hơn, gồm 75% nguồn thuế, phí do chính quyền Bangsamoro. Hiện cộng đồng Hồi giáo hưởng 70% từ nguồn thuế này.

Luật Shariah của đạo Hồi sẽ được áp dụng với tín hữu đạo này tại khu tự trị, nhưng hệ thống tư pháp Philippines tiếp tục áp dụng với người không theo đạo Hồi.

Đổi lại, Moro sẽ từ bỏ các hành vi khủng bố cực đoan, không liên kết với phe khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tìm cách áp đặt luật Shariah phiên bản hà khắc tại các vùng đất họ chiếm được ở Syria và Iraq.

Tuy nhiên, ít nhất 3 nhóm Hồi giáo nổi dậy nhỏ hơn ở nam Philippines phản đối thỏa thuận tự trị này, thề tiếp tục chiến đấu để có được một nhà nước Hồi giáo riêng.

Phe nổi dậy đã đánh nhau với chính quyền Philippines từ những năm 1970, để đòi có một chính quyền Hồi giáo tự trị ở Mindanao. Cuộc chiến này đã khiến 150.000 dân thường và tay súng thiệt mạng.

Mỹ và phương Tây đều ủng hộ thỏa thuận tự trị trên, phần nào nhằm cản sự nổi dậy của chủ nghĩa cực đoan đang nổi vốn có thể đe dọa đất nước họ.

Thỏa thuận hòa bình và dự thảo luật trên đạt được sau 13 năm thương lượng khó khăn. Sự chuyển mình của Moro đã nhận được sự ủng hộ, sau khi thế giới cảnh giác trước các hành vi khủng bố bạo lực của IS.

Dự thảo luật sẽ được Quốc hội Philippines xem xét kỹ, có thể được cả Hạ và Thượng viện (đều do đồng minh của tổng thống chiếm đa số) thông qua. Nhưng dự luật cũng có thể gặp phải sự thách thức của các tổ chức và chính khách theo đạo Thiên Chúa, vốn rất không ưa chuyện nhượng đất, quyền lực và tầm ảnh hưởng cho cộng đồng Hồi giáo.

Năm 2008, chính quyền và Moro gần đạt đến một thỏa thuận hòa bình sơ bộ, nhưng các chính khách theo đạo Thiên Chúa thắc mắc về tính hợp pháp khiến thỏa thuận này sụp đổ, Moro nối lại các cuộc tấn công, thêm người chết và hàng chục ngàn dân làng phải sơ tán.

Nguồn Một Thế Giới


Sự kiện