Reuter
Philippines, Malaysia đưa Grab vào tầm ngắm
→Những mảnh ghép tham vọng của Grab
Như vậy, đến nay, tại khu vực Đông Nam Á đã có tổng cộng 3 quốc gia xem xét thương vụ giữa Grab và Uber là Singapore, Malaysia và Philippines.
Ủy ban Cạnh tranh của Philippines cho biết cơ quan này "sẽ giám sát chặt chẽ thỏa thuận giữa Grab và Uber do thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực đến các dịch vụ vận tải và giao thông công cộng".
Ủy ban Cạnh tranh của Malaysia thông báo sẽ kiểm soát Grab, đặc biệt nếu hãng này có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hoặc tăng phí đột ngột. Việc giám sát là cần thiết nhằm tránh gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.
Theo Bộ Nội vụ Malaysia, tại cuộc họp diễn ra tuần trước, Grab đã đưa ra đảm bảo rằng trong quá trình chuyển giao sẽ không có chuyện tăng phí vận chuyển. Theo Channel News Asia dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia cho biết, Chính phủ nước này sẽ căn cứ theo Đạo luật Cạnh tranh năm 2010 để ngăn chặn các thương vụ tạo ra thế độc quyền nhằm thao túng giá hàng hóa, dịch vụ.
Đại diện Grab đã hứa sẽ không tăng giá ít ra là tại Malaysia, nếu không công ty này sẽ bị Chính phủ kiện và xử lý thích đáng.
Ủy ban Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp của Singapore cũng ra yêu cầu Grab, Uber không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Singapore trong thời gian cuộc điều tra diễn ra.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuter |
Thông báo của Ủy ban cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp giữ nguyên các chính sách về giá cũng như các loại hình phục vụ như trước khi đạt được thỏa thuận, đồng thời, hai bên không được phép chia sẻ cho nhau mọi thông tin mật liên quan đến vấn đề định giá hay số liệu về khách hàng cũng như tài xế.
Singapore cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh giữa Uber và Grab vi phạm điều khoản 54 của Đạo luật Cạnh tranh, theo đó, cấm việc sáp nhập và thâu tóm về cơ bản làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường.
Thời gian tới, Chính phủ Singapore vẫn tiếp tục tính toán các biện pháp quản lý chặt chẽ Uber và Grab do lo ngại có sự độc quyền ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và các lái xe cũng như những hệ lụy khác do sự gia tăng của số lượng xe hơi như môi trường và kẹt xe. Theo đó, Singapore sẽ áp dụng các biện pháp cấp phép và thu phí đối với các hãng taxi công nghệ khi họ đạt đến một số lượng xe nhất định.
Mặc dù các quy định cụ thể phải đến cuối năm nay mới được đưa ra nhưng có thể thấy quyết tâm của Chính phủ Singapore trong quản lý chặt hơn nữa hoạt động của Uber và Grab.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore nhận định: "Quy định của chúng tôi không quá phiền hà. Các nhà khai thác dịch vụ như Uber, Grab đều đồng ý rằng đó là những quy định cần thiết để đảm bảo lợi ích của hành khách".