Chủ Nhật | 30/12/2012 10:18

Philippines liệu có thể cất cánh?

Trong danh sách các nền kinh tế được cho là phát triển vượt bậc những năm gần đây như Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc, cái tên Philippines xuất hiện.
Từ nhiều năm nay, Philippines luôn là nền kinh tế tụt hậu so với các nước Đông Nam Á, mặc dù có dân số 100 triệu người có thể nói tiếng Anh cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và thể chế khá dân chủ.

Ngày nay, xét trên phương pháp ngang giá sức mua, Philippines có thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/4 so với Malaysia và bằng 1/2 so với Thái Lan. Ngoài khu buôn bán sầm uất, thủ đô Manila chứa đầy ổ chuột trong khi vùng nông thôn còn nhiều nghèo đói và tham nhũng tràn lan.

Tuy nhiên, giờ đây, người ta có thể hi vọng “gió đang đổi chiều”. Trong danh sách các nền kinh tế được cho là phát triển vượt bậc trong những năm gần đây như Brazil, Ấn Độ và thậm chí là cả Trung Quốc, cái tên Philippines xuất hiện.

Quý trước, kinh tế nước này tăng trưởng 7,1% và đã có 55 quý tăng trưởng liên tiếp. Năm 2012, bất chấp môi trường bên ngoài không thuận lợi, Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng ở tốc độ 5 – 6% - gấp đôi so với mức 3% của những năm 1990. Bộ Tài chính Philippines tin rằng tốc độ còn được tăng lên mức 6 - 7% và thậm chí là 7 - 8%.

Philippines đã chuyển mình mạnh mẽ, từ 1 nước đang đứng bên bờ khủng hoảng cán cân thanh toán thành 1 nước có thể kiểm soát được nợ nước ngoài và thâm hụt ngân sách chỉ tương đương với 2% GDP. Đây cũng chính là điều khiến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tăng xếp hạng của Philippines lên mức đáng để đầu tư.

Theo sau động thái này, tiền ồ ạt đổ vào Philippines. Thị trường chứng khoán Philippines trở thành 1 trong những thị trường diễn biến tốt nhất trong năm 2011 - tăng 32,5%. Đồng peso cũng tăng giá 7% so với đồng USD. Các công ty Nhật Bản vốn đang tìm kiếm 1 nơi thay thế cho Trung Quốc coi Philippines là mảnh đất đầy hứa hẹn bởi xuất khẩu của đất nước này vẫn tăng tốc mặc dù nhu cầu về hàng điện tử trên thị trường thế giới suy giảm.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này chính là sức tiêu dùng mạnh mẽ chiếm tới 70% GDP. Kể từ năm 2004, kiều hối từ các lao động đang làm việc ở nước ngoài đã tăng gần gấp 3, lên 20 tỷ USD, xóa tan dự đoán cho rằng kiều hối sẽ sụt giảm sau khủng hoảng tài chính 2008. Tỷ lệ lạm phát luôn ở mức dưới 3% nhờ có chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý. Chính phủ Philippines có đủ tự tin về ngân sách để chi những khoản lớn vào cơ sở hạ tầng thiết yếu và các chính sách an sinh xã hội.

Nhà đầu tư rất tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Philippines. Và phần lớn niềm tin này đến từ Thủ tướng Benigno “Noynoy” Aquino. Chiến thắng hồi tháng 5/2010 của ông Aquino đã trở thành bước ngoặt lớn cho Philippines. Ông đã quyết liệt chống lại tham nhũng, đẩy mạnh điều tra trốn thuế ngay cả đối với tầng lớp cán bộ cấp cao.

Trong khi những năm tháng dưới thời Thủ tướng trước đó là ông Gloria Macapagal Arroyo được coi là thời kỳ tham nhũng hoành hành nhất ở Philippines, ông Aquino đã thẳng tay trừng trị những kẻ tham nhũng. Thái độ cứng rắn trước tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc càng tăng thêm uy tín cho ông Aquino.

Hình ảnh trong sạch khiến tỷ lệ ủng hộ ông Aquino lên tới trên 60% - cao chưa từng thấy, đặc biệt là khi ông đã đi được gần một nửa nhiệm kỳ. Theo Jaime Augusto Zobel de Ayala, người đứng đầu tập đoàn lâu đời nhất và cũng lớn nhất của Philippines, ông Aquino đã cho thấy nhà nước pháp quyền được trân trọng và nhậ được sự tin tưởng rất lớn từ dân chúng.

Chính quyền của ông Aquino cũng đạt được thỏa thuận với nhóm nổi dậy ở đảo Mindanao, chấm dứt 4 thập kỷ xung đột. Chính hòn đảo nông nghiệp giàu có này đã trở thành 1 trong những trụ cột lớn của nền kinh tế Philippines.

Theo bộ trưởng Tài chính Cesar Purisima, với độ tuổi trung bình hiện nay là 22 tuổi (thấp nhất ở châu Á), Philippines sắp đạt được “điểm vàng về cơ cấu dân số”. Đến năm 2015, một nửa dân số sẽ ở độ tuổi lao động. Đây là cơ cấu dân số của các nước châu Á khác khi những “con hổ” này bắt đầu cất cánh.

Một vài ngành mới đã được phát triển và góp phần không nhỏ phát triển kinh tế. Những năm gần đây, ngành outsourcing ở Philippines đã phát triển vượt bậc, vượt qua cả Ấn Độ. Ngành này đóng góp tới gần 11 tỷ USD cùng với 600.000 việc làm. Đất nước này cũng có tham vọng lớn ở ngành du lịch sau khi đạt được thỏa thuận cho phép các hãng bay nước ngoài được bay trực tiếp tới các khu nghỉ dưỡng. Ngành khai mỏ cũng có thể được mở cửa sau khi luật lệ về quyền sở hữu đất đai và bảo vệ môi trường được thông qua.

Đất nước Đông Nam Á này cũng ghi nhận cả sự chuyển biến tích cực ở nhóm các lao động làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 8 triệu người Philippines đang làm việc ở nước ngoài. Họ không còn làm những công việc đơn giản như giúp việc hay công nhân xây dựng mà đã làm được các công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng như đóng tàu, chăm sóc sức khỏe và viễn thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu vượt bậc, nền kinh tế Philippines vẫn còn một số điểm yếu mà vượt qua chúng là thách thức không hề nhỏ. Khả năng tạo ra việc làm ở quê nhà chính là 1 dấu hiệu của sự yếu kém về cấu trúc. Và, mặc dù đã có nhiều thay đổi tích cực về thể chế, nhiều học giả vẫn cho rằng người nghèo vẫn bị gạt sang 1 bên. 40% dân số hiện có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.

F. Sionil José, học giả đã ghi chép lại thời kỳ Philippines còn là thuộc địa của Tây Ban Nha và Mỹ, cho rằng các nhà điều hành ở đây vẫn thiếu đi cảm nhận về mục tiêu quốc gia - điều làm nên thành công của Hàn Quốc hay Nhật Bản. Có thể nhìn thấy lợi ích của tầng lớp người giàu ở các trung tâm mua sắm, chung cư, sân golf và khu nghỉ dưỡng ven biển chứ không phải ở các nhà máy hay các ngành nông nghiệp.

Nguồn FT/CafeF


Sự kiện