Philippines có thể là động lực tăng trưởng của ASEAN
S&P dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines năm 2013 sẽ tăng gần 7% và giảm nhẹ về mức 6-6,5% trong các năm 2014 và 2015. Đáng chú ý, dự báo của S&P phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-7% mà Chính phủ Philippines đặt ra cho năm nay.
Theo S&P, trong bối cảnh kinh tế châu Á tiếp tục ảm đạm do tác động tiêu cực từ sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và đà phục hồi chật vật ở Mỹ và châu Âu, các thành viên ASEAN vẫn cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn so với các đối tác thương mại khác nhờ thị trường tiêu dùng trong nước lớn.
Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan dự kiến tăng trưởng trung bình 5,5% trong năm nay, cao hơn mức 5,3% của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh của Philippines trong giai đoạn đầy khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện nay là sự kết hợp của các nhân tố như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ hợp lý và chi tiêu công cũng như nhu cầu trong nước đều tăng.
Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn tiếp tục lan rộng và tình trạng bất ổn đang xảy ra ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới nhưng Philippines vẫn giữ được kinh tế vĩ mô ổn định. Hiện nay ở Philippines, lạm phát chỉ đứng ở mức hơn 3% và lãi suất vào khoảng 4%, trong khi tỷ lệ nợ công trên GDP đang ở mức thấp kỷ lục.Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích cho rằng việc chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino tăng chi tiêu công lên mức kỷ lục trong năm 2012 và đang tìm kiếm hơn 17 tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án xây dựng đường bộ và sân bay, là một nhân tố khác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Philippines.
Mặt khác, việc áp dụng cơ chế lãi suất thấp và các dòng kiều hối chảy mạnh từ nước ngoài về đã giúp Philippines chống chọi được với "các làn gió ngược" là sự phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế Mỹ, sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và tình trạng yếu kém trong Khu vực Eurozone.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia phân tích, Philippines vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi trở thành "con hổ" kinh tế mới của châu Á. Đặc biệt, nước này phải vực dậy các ngành công nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, bởi vì, theo Báo cáo Điều tra tình hình kinh doanh năm 2012 của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Philippines mới được xếp ở vị trí 136/183 nước về môi trường đầu tư.
Nguồn Chinhphu.vn