Năm 1980, Milton Friedman, nhà kinh tế từng đạt giải Nobel Kinh tế và cũng là người đề xướng trường phái kinh tế thị trường tự do, có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc. Không giống như những người đi du lịch bình thường, ông phàn nàn rằng Trung Quốc thiếu văn hóa trả tiền boa cho nhân viên.
Theo ông, tiền boa cũng là biểu hiện của giá cả. Đồng thời, Friedman cho rằng giá cả nên được tự do biến động và thể hiện sức mạnh thần kỳ của thị trường. Theo ông, nếu như không có tiền boa, không có gì có thể khiến người khuân vác ở khách sạn ra tay giúp đỡ 1 người Mỹ đang mệt lử vật lộn với đống hành lý.
Mức độ tự do của thị trường được đo lường bởi Economic Freedom of the World index, chỉ số đã được Friedman cùng với viện Fraser xây dựng nhằm đo lường mức độ tự do của các nền kinh tế.
Báo cáo mới nhất được công bố tháng trước cho thấy mức độ tự do của nền kinh tế Trung Quốc đã được cải thiện trong những năm tháng Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lãnh đạo. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn xếp sau 99 quốc gia khác. Ví dụ, người dân Trung Quốc vẫn chưa thể tự do rút vốn ra khỏi Trung Quốc, mặc dù rất nhiều người đang cố gắng làm như vậy.
Unirule là 1 nhóm chuyên gia kinh tế đang hoạt động tại Bắc Kinh. Họ đã tính toán và chỉ ra rằng các doanh nghiệp viễn thông trực thuộc nhà nước của Trung Quốc đã kiếm được lợi nhuận khá cao, vào khoảng 31 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5 tỷ USD) mỗi năm.
Tuy nhiên, mức lợi nhuận vượt trội này cũng khiến nền kinh tế phải chịu thiệt. Các doanh nghiệp nhà nước có những rào cản hành chính bảo vệ họ trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác. Mức già mà họ đưa ra cũng cao hơn so với mức giá mà đáng nhẽ người tiêu dùng có thể được hưởng theo giá thị trường.
Nếu như các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang đưa ra mức giá quá cao cho khách hàng, các ngân hàng trực thuộc nhà nước của nước này lại trả cho người gửi tiền mức lãi suất quá thấp. Mức trần lãi suất tiền gửi tuân theo mệnh lệnh hành chính khiến người gửi tiền không có được đúng mức lợi nhuận mà đáng ra số tiền gửi của họ có thể tạo ra. Theo tính toán của Unirule, số tiền lãi mà người gửi tiền thiệt hại có thể lên tới 1,16 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2011, tương đương với 2,6% GDP.
Đứng trước tình trạng này, người tiết kiệm Trung Quốc tìm những "bến đỗ mới". Trước tiên, đó là thị trường chứng khoán. Theo sau đó là thị trường bất động sản. Giờ đây, một số người còn tìm kiếm những "hầm trú ẩn" ở nước ngoài.
Theo báo cáo của công ty marketing Hurun, người giàu Trung Quốc (những người có hơn 10 triệu nhân dân tệ trong tài khoản) hiện đang có tới 19% tài sản được đặt ở nước ngoài. Báo cáo này cũng cho thấy 85% người giàu có kế hoạch cho con đi du học và 44% có kế hoạch di cư ra nước ngoài.
Thậm chí, sở hữu các tài sản ở nước ngoài không còn là ước mơ chỉ bó hẹp trong giới siêu giàu. Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang hướng tới tài sản ở các thành phố cấp 2 của châu Mỹ, điển hình như Phoenix, Arizona. Hiện nay, công dân Trung Quốc chỉ được phép mang tối đa 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng lo lắng. Người Trung Quốc đã tìm ra rất nhiều kênh để đem tiền ra nước ngoài.
Rất khó để có thể theo dõi lượng vốn chảy ra nước ngoài. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy rằng dòng vốn đột ngột trở nên ồ ạt trong mùa hè năm nay.
Theo Stephen Green, người đang làm việc tại ngân hàng Standard Chartered, dòng tiền chảy vào Trung Quốc thông qua thặng dư thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài có giá trị 108 tỷ USD trong quý III. Tuy nhiên, chỉ có 28 tỷ USD xuất hiện trên dự trữ ngoại hối của nước này. Vậy thì khoảng 80 tỷ USD đã đi đâu?
Lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng Trung Quốc đã tăng 9 tỷ USD trong quý III và có thể hiện tượng dòng vốn chảy ra đã được chấm dứt trong tháng 9. Tuy nhiên, những con số trên vẫn cho thấy dòng vốn đã ồ ạt ra khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong suốt mùa hè vừa qua.
Theo Green, thặng dư thương mại của Trung Quốc được tính toán chính xác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có thể chuyển tiền ra ngoài bằng cách ghi giảm số lượng xuất khẩu và ghi tăng số lượng nhập khẩu. Ví dụ, họ có thể bán được khối lượng hàng hóa có trị giá 1.000 USD ở nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 800 USD được ghi nhận trên hóa đơn và số còn lại được giữ ở nước ngoài.
Theo Global Financial Integrity (GFI), một nhóm nghiên cứu Mỹ, tin rằng đây là hiện tượng phổ biến. Trong 1 nghiên cứu mới đây, Dev Kar và Sarah Freitas (2 chuyên gia đến từ GFI) đã so sánh khối lượng hàng hóa xuất khẩu được báo cáo của Trung Quốc với khối lượng hàng hóa mà toàn thế giới nhập từ Trung Quốc. Đáng lẽ ra, 2 số liệu này phải khớp nhau. Tuy nhiên, họ đã phát hiện ra sự chênh lệch khổng lồ. Không tính đến trao đổi thương mại với Hong Kong và Macao, mức chênh lệch lên tới 430 tỷ USD trong năm 2011.
Mặc dù chỉ mang tính chất nghiên cứu chứ không được công nhận chính thức, con số này cũng nhấn mạnh những khó khăn trong việc hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sôi động như ở Trung Quốc.
Nghiên cứu của GFI không đưa ra mối nguy hiểm về mặt kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, xét trên 1 vài khía cạnh nào đó, đây là vấn đề mà thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc cần phải lưu ý.