Ảnh: Quý Hòa.
Phép thử của dòng tiền 2020
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong những sự kiện kinh tế đáng chú ý nhất trong 2 năm vừa qua và có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Năm 2020 là thời điểm quan trọng để đánh giá liệu dòng vốn đầu tư được chuyển dịch từ Trung Quốc và các nước châu Á khác vào Việt Nam (dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung) có thật sự đến hay không, theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam).
Giai đoạn "phân chia lớn"
“Trung Quốc đã thay đổi tầm nhìn ban đầu về xung đột thương mại này thành một phần trong cạnh tranh chiến lược. Giờ đây Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và cho viễn cảnh tồi tệ nhất của một cuộc chiến tranh lạnh mới, hay kể cả một cuộc chiến nóng”, ông Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Kinh tế - Chính trị Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cho hay.
Việt Nam nhận được dòng tiền khi tình hình thương mại Mỹ - Trung biến động. Nhiều công ty nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam để tránh thiệt hại bởi những đòn đánh kinh tế giữa hai cường quốc. Theo một khảo sát gần đây của Ngân hàng Standard Chartered, hơn một nửa nhà sản xuất ở Trung Quốc đang cân nhắc di dời nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam được xem là đích đến tiềm năng nhất cho các nhà máy này.
Việt Nam có sức hút như vậy là nhờ sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh nổi bật so với các nước khác trong khu vực để thu hút dòng tiền. Trong đó, đòn bẩy chính là lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất và khoảng cách địa lý với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chính sách hợp lý để tận dụng dòng tiền này, gia tăng lưu thông hàng hóa bằng cách tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA), có hiệu lực vào năm 2020, là một lợi thế cạnh tranh vững chắc của Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự đoán sẽ thu hút thêm những dòng tiền đầu tư đến từ nước ngoài thông qua các ETF chủ chốt, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Thái Lan. Giữa những bất ổn thương mại toàn cầu, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng 8,3% tại ngày 13.12.2019 so với đầu năm, cao hơn so với KOSPI (Hàn Quốc) hay SET (Thái Lan). “Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển cả về quy mô và chất lượng, có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều nhà đầu tư”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay.
Trong báo cáo phân tích mới nhất của VinaCapital, quỹ đầu tư này cũng dự đoán tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam khi cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tăng từ 10-15% trong năm 2020. Sự gia tăng dòng tiền và tốc độ giải ngân FDI là một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam trong năm 2020.
VinaCapital cũng cho rằng những động thái tạm thời hòa hoãn trong cuộc chiến tranh thương mại sẽ không khiến cho các công ty ngưng dịch chuyển nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc. Quỹ đầu tư này dự đoán sẽ có thêm những làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, từ đó giúp tăng trưởng GDP và thị trường chứng khoán.
Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang dần tách nhau ra khi không thể đạt được thỏa thuận trong cuộc chiến tranh thương mại và các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam, đều tận dụng cơ hội này. Theo số liệu của Boston Consulting Group trong báo cáo “Việt Nam và giai đoạn bình thường mới trong thương mại toàn cầu”, một số ngành còn đạt mức tăng trưởng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2019 đến hơn 50%, có thể kể đến như hàng điện tử tiêu dùng, đồ chơi trẻ em, công nghệ y tế, máy móc - linh kiện, bột giấy - giấy. Đa số các ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, sản xuất và công nghiệp nặng và nguyên liệu thô đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian này.
Theo Grant Thornton, kỳ vọng về xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng với 75% đối tượng được khảo sát trả lời lạc quan so với 66% ở nửa đầu năm 2019. Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi chính từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi trở thành nơi sản xuất thay thế có chi phí thấp và không chịu các loại thuế như đối với Trung Quốc.
Rủi ro của Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển, nhưng quy mô sản xuất tương đối nhỏ trên thế giới, không nằm trong top 20, đủ nhỏ để đứng ngoài cuộc tranh chấp thương mại của các nền kinh tế lớn, không bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại là “con dao hai lưỡi” đối với Việt Nam khi đem lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng cũng mang đến nhiều rủi ro. Tăng trưởng có dấu hiệu suy giảm khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đang hạ nhiệt, tốc độ tăng trưởng thu nhập của ngân sách đang hạ dần... và đặc biệt là sự lệch pha trong xuất khẩu. Mỹ đã có nhiều động thái cảnh báo Việt Nam, trong đó có việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ.
Trong báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, World Bank cũng cảnh báo Việt Nam có thể trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo vệ thương mại khác của Mỹ khi thặng dư thương mại với nước này ngày càng tăng lên...
Theo khảo sát của Grant Thornton, cứ 5 doanh nghiệp lại có 1 doanh nghiệp cho rằng sự bất ổn kinh tế là một chướng ngại đối với tăng trưởng và 41% xem việc thiếu đơn hàng là trở ngại chính. Các công ty ngày càng cảnh giác hơn với những rủi ro hiện hữu, bao gồm thiếu hụt đơn hàng (51%), bất ổn kinh tế (47%), quan liêu (54%) và thiếu hụt tài chính (54%); tất cả đều ghi nhận mức tăng từ 9-12% so với giai đoạn nửa đầu năm 2019.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự lo ngại về nguồn cung và chi phí năng lượng. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là sự gia tăng chi phí lao động và tiền lương. Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cho biết, rủi ro chi phí nhân công tăng đã nhảy từ vị trí thứ 3 vào năm 2016 lên vị trí số 1 vào năm 2018 trong danh sách những mối lo của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam.