Phát hiện nhiều công ty "ma" nghi dính líu đến Triều Tiên
Hiện chưa thể khẳng định các công ty này có mối liên hệ ràng buộc với chính quyền Triều Tiên, nhưng bản báo cáo của KCIJ đã làm dấy lên những đồn đoán cho rằng, đây có thể là công cụ để quản lý những tài sản mà cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tích lũy được. Từ lâu, ông Kim Jong-il đã bị nghi ngờ là cất giữ tài sản cá nhân ở nước ngoài.
Còn có một khả năng khác là các công ty ma nói trên có thể là phương tiện để giúp Triều Tiên né các lệnh trừng phạt quốc tế được áp dụng nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền và thương mại từ Triều Tiên.
Triều Tiên hiện là quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới, trong đó Ngân hàng Trung ương Triều Tiên là mục tiêu chính trong loạt lệnh trừng phạt mới nhất mà Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 2 năm nay.
Mặc dù các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên chủ yếu áp dụng cho các sản phẩm lưỡng dụng có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự, các doanh nghiệp hợp pháp nước ngoài đều muốn tránh làm ăn với Triều Tiên bởi lo ngại những rủi ro có thể xảy ra.
Lập công ty ma ở nước ngoài là một cách để lách các lệnh trừng phạt quốc tế và hậu thuẫn những dự án ngầm của Triều Tiên. Mặc dù vậy, báo cáo của KCIJ chưa làm rõ được việc liệu các công ty ma được đề cập đã được sử dụng ra sao để bơm tiền cho các hoạt động ở Triều Tiên.
Một công ty trong số này có tên Larivader Solutions Inc. được thành lập ở British Virgin Islands vào ngày 19/11/2004 và tồn tại ít nhất tới tháng 10/2009. Một trong số hai giám đốc được đăng ký của công ty này ở ông Mun Kwang Nam, có địa chỉ tại “số 2 Kin Mal Dong, quận Mao Lang Bong, thành phố Bình Nhưỡng, Triều Tiên”.
KCJI cho biết, họ thu thập được những thông tin này thông qua phân tích các tài liệu do một tổ chức chuyên hỗ trợ thành lập công ty trên giấy ở các thiên đường thuế. Ba công ty ma khác được cho là có liên quan tới Triều Tiên đạt tại British Virgin Islands là các công ty có tên Chollima, Chosun và Koryo Telecom. Đây không phải là những công ty được đăng ký với thông tin Triều Tiên, nhưng có tên kiểu Triều Tiên.
Ba công ty nói trên cùng có giám đốc là hai người có tên Lim Jong Ju và Wong Yuk Kwan, và được thành lập trong thời gian từ 2000-2001.
Hai người này được cho là những nhà đầu tư trong lĩnh vực viễn thông ở Triều Tiên. Tuy nhiên, không rõ họ có liên quan hay không tới Orascom Telecom, một công ty Ai Cập vận hành mạng 3G duy nhất ở Triều Tiên với khoảng 2 triệu người đăng ký sử dụng.
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên bị nghi giấu tài sản trong các công ty hay tài khoản ở nước ngoài.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cách đây ít lâu dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên khẳng định rằng: "Kể từ khi tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền hồi tháng 2/2008, Hàn Quốc và Mỹ đã truy tìm khoảng hơn 200 tài khoản của Triều Tiên có liên quan tới các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, xuất khẩu ma túy, tiền giả và thuốc lá”.
Hồi tháng 3 vừa qua, báo Chosun Ilbo cho hay, các cơ quan chức năng Mỹ và Hàn Quốc đã tìm thấy hàng chục tài khoản được cho là thuộc về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại nhiều ngân hàng nằm ở Thượng Hải cũng như những khu vực khác của Trung Quốc. Các tài khoản này có số dư lên tới tới hàng trăm triệu USD.
Ngoài ra, ông Kim Jong-un cũng được cho là đang cất giữ hàng tỷ USD trong các tài khoản tại các ngân hàng ở Áo, Trung Quốc, Lichtenstein, Luxembourg, Nga, Singapore và Thụy Sỹ.
Trước đó, vào năm 2010, tờ Daily Telegraph của Anh đã dẫn nguồn tin tình báo khẳng định, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il có tới khoảng 4 tỷ USD gửi ở nước ngoài dưới dạng quỹ dự phòng khẩn cấp.
Nguồn Vneconomy