Khu vực công trường xây dựng của công ty Renergen ở Free State, Nam Phi. Ảnh: AFP.

 
Minh Duy Thứ Sáu | 22/10/2021 16:58

Phát hiện mỏ khí 100 tỉ USD nhờ đầu tư 1 USD vào mảnh đất ở Nam Phi

Heli đóng vai trò quan trọng dùng trong máy quét y tế, chất siêu dẫn và du hành vũ trụ.

Theo AFP, hai nhà thăm dò khoáng sản Marani và Mitchell hồi năm 2012 đã mua quyền khai thác khí trên mảnh đất 87.000 ha ở tỉnh Free State, Nam Phi với giá vỏn vẹn 1 USD. Vào thời điểm đó, họ hướng tới việc khai thác khí tự nhiên ở mảnh đất này.

Tuy nhiên, trong quá trình dò tìm khí tự nhiên, họ phát hiện ra lượng khí heli cao bất thường trộn lẫn với nguồn khí trên trong khu đất. Công ty Renergen của họ sắp bắt đầu khai thác cả khí tự nhiên và heli.

Những thử nghiệm ban đầu cho thấy nồng độ heli tại mỏ ở Nam Phi chiếm 2-4% trong hỗn hợp trộn cùng khí tự nhiên, cao hơn nhiều so với nồng độ 0,3% tại các mỏ ở Mỹ. Các cuộc khảo sát sâu hơn phát hiện nồng độ heli ở mỏ Renergen có những điểm lên tới 12%.

Heli thường được biết tới là loại khí bơm vào bóng bay hoặc có thể thay đổi giọng nói của con người trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, nó cũng có vai trò trong những hoạt động khác như được sử dụng trong máy siêu âm y tế, chất siêu dẫn và du hành vũ trụ.  

Thị trường khí heli toàn cầu ước tính trị giá 10,6 tỉ USD vào năm 2019, theo công ty Research & Markets. Trên thế giới, chỉ có số ít các quốc gia sản xuất heli, nên nguồn cung của nó cũng thường bị gián đoạn.

Renergen ước tính trữ lượng heli ở khu đất của họ có thể lên tới 9,74 tỉ m3, lớn hơn toàn bộ trữ lượng heli trên toàn nước Mỹ. Lượng khí này có thể bơm đủ 1.400 tỉ quả bóng bay.

Thị trường khí heli toàn cầu trị giá 10,6 tỉ USD vào năm 2019. Ảnh: Getty Images.
Thị trường khí heli toàn cầu trị giá 10,6 tỉ USD vào năm 2019. Ảnh: Getty Images.

Nếu con số là chính xác, Marani ước tính trữ lượng heli trong mảnh đất nói trên có thể lên tới 100 tỉ USD.

Renergen dự kiến đặt 19 giếng khoan khai thác khí vào năm tới. Dự án này mang lại tiềm năng biến Nam Phi trở thành một trong những nước có lượng khí heli lớn và sạch nhất thế giới. Theo ông Marani, quy mô sản xuất heli ở Nam Phi có thể tăng lên 5 tấn/ngày - chiếm 7% tổng sản lượng heli hiện tại của hành tinh.

Nhu cầu và giá cả đối với heli đã tăng hơn gấp đôi trong 30 năm qua. Khi việc sử dụng heli ngày càng nhiều, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến việc đảm bảo nguồn cung ổn định. Nga, Mỹ và Tanzania đang để mắt tới các nguồn dự trữ heli mới.  

Có thể bạn quan tâm:

'Ông vua nhiên liệu' của thế kỷ XXI