Phát hiện 2 hộ chiếu giả được dùng để lên chiếc máy bay của Malaysia
Hình ảnh cuối cùng của chuyến bay MH 370. Đây là bức ảnh chiếc máy bay được chụp hồi năm 2009 tại sân bay quốc tế Charles de Gaulleở thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh do hãng Malaysia Airlines cung cấp) |
Trong buổi chiều tối ngày 8/3, hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) đã tổ chức họp báo về sự kiện chuyến bay MH 370 bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, bị mất tích. Trong buổi họp báo, đại diện của MAS đã công bố danh sách toàn bộ 227 hành khách có mặt trên chuyến bay.
Ngay sau khi bản danh sách này được công bố, những câu chuyện “lạ thường” đã xuất hiện. Đầu tiên, hãng thông tấn ANSA của Italia đưa tin, người đàn ông có tên là Luigi Maraldi, 37 tuổi, sống ở vùng Cesena đã “có mặt” trong chuyến bay MH 370 nhưng thực tế thì anh này vẫn đang ở Thái Lan và có kẻ nào đó đã sử dụng cuốn hộ chiếu của anh ta bị mất cắp hồi tháng 8 năm ngoái.
Cảnh sát Italia xác nhận, cha mẹ anh Luigi Maraldi đã gọi điện cho anh ở Thái Lan và được biết anh vẫn an toàn.
Tiếp theo đó, đại diện của Đại sứ quán Áo (Austria) cũng cho phóng viên của hãng tin Reuters biết, hành khách tên là Christan Kozel, 30 tuổi, quốc tịch Áo có tên trong danh sách hành khách của chuyến bay MH 370, thực chất không hề lên máy bay. Cách đây hai năm, trong khi đang đi du lịch ở Thái Lan thì Christan Kozel cũng bị mất cắp hộ chiếu.
Phóng viên của Reuters cũng đã xác minh lại thông tin này với người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Áo và được biết, cảnh sát đã đến tận nhàChristan Kozel để xác thực việc anh này không đi máy bay.
Từ hai cuốn hộ chiếu giả này, các chuyên gia an ninh hàng không đã đặt ra nghi vấn: Vậy, thực chất 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả kia là ai, có ý đồ gì? Liệu có thể đó là 2 tên khủng bố hay không?
Cũng theo các chuyên gia khác trong lĩnh vực hàng không dân dụng, chiếc máy bay gặp nạn là loại Boeing 777-200, loại máy bay chở khách an toàn nhất thế giới và chưa từng gặp sự cố nghiêm trọng nào trong lịch sử tồn tại của mình. Cơ trưởng của chuyến bay là một phi công rất lão luyện người Malaysia với hơn 18.300 giờ bay và việc chiếc máy bay đột ngột biến mất khỏi màn hình radar cũng như không hề có tin tức gì trong suốt gần 20 tiếng đồng hồ qua là “vô cùng phi lý” và càng khiến giả thiết máy bay bị tấn công khủng bố đột ngột được nhiều chuyên gia tính đến.
Trong phần tường thuật trực tuyến về sự kiện máy bay của Malaysia bị mất tích bí ẩn, tờ Wall Street Journal cũng trích dẫn phân tích của chuyên gia Jonathan Galaviz, một đối tác của hãng Global Market Advisors chuyên về hàng không và tư vấn giải trí (trụ sở tại Los Angeles, Mỹ) cho biết cho rằng “chiếc máy bay có thể đã gặp một sự cố gì đó "cực kỳ hiếm gặp" hoặc nếu không thì đó sẽ là một sự kiện thảm khốc".
“Nếu chứng minh được rằng chiếc máy bay bị nạn trong khi đang bay trên biển thì rõ ràng đây là loại tai nạn rất hiếm gặp”, Wall Street Journal trích lời chuyên gia Jonathan Galaviz.
Ảnh chụp từ máy bay tìm kiếm của Việt Nam phát hiện vết dầu loang có dấu hiệu bất thường tại vùng biển nghi là khu vực chiếc máy bay của Malaysia Airlines gặp nạn. (Ảnh: Reuters) |
Hồi năm 2009, khi chuyến bay mang số hiệu 447 của hãng hàng không Pháp Air France bị rơi xuống Đại Tây Dương khiến toàn bộ 228 người trên máy bay thiệt mạng, thế giới đã rất "sửng sốt", ông Galaviz, một phi công nói. Một "nỗ lực quốc tế" đã được huy động để tìm lại hộp đen của chuyến bay này nhưng phải 2 năm sau người ta mới tìm được còn nguyên nhân gặp nạn thì vẫn chưa sáng tỏ.
Thêm vào đó, việc máy bay rơi trên biển (nếu xảy ra) sẽ khiến cho công tác cứu hộ, tìm kiếm trở nên rất khó khăn vì các mảnh vỡ sẽ chìm dần xuống nước sâu và việc truy tìm các thiết bị ghi lại hoạt động của buồng lái, ghi âm và dữ liệu bay cũng mất rất nhiều thời gian.
Ông Galaviz nhấn mạnh rằng trong khoảng thời gian từ 48 đến 72 giờ tiếp theo là khoảng thời gian “vàng” cho việc tìm kiếm, cứu nạn cho chiếc máy bay Malaysia Airlines nếu sự cố xấu xảy ra. Sau đó, nếu muốn tìm được hộp đen của máy bay, người ta sẽ phải cần đến thiết bị sonar tinh vi để xác định vị trí của chiếc hộp đen này.