Thứ Ba | 25/09/2012 09:21

Phát hành trái phiếu châu Á đạt kỷ lục hơn 100 tỷ USD

Phát hành trái phiếu từ châu Á, trừ Nhật Bản, từ đầu năm đến tháng 9 này đã vượt 100 tỷ USD, cao hơn 20 tỷ USD cả năm 2010.
Theo số liệu của công ty tư vấn quốc tế Dealogic, trong năm nay, thị trường đã có 106 tỷ USD trái phiếu, được phát hành bằng 3 loại tiền tệ quốc tế chính là USD, yên và euro, trong đó tính riêng tháng 9 là 12,5 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, việc nhận được nhiều dòng tiền hơn từ các cá nhân giàu có trong nước và các nhà đầu tư thế giới đã khiến thị trường trở nên sôi động hơn và thúc đẩy hoạt động mua bán trái phiếu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đi vay cũng bắt đầu tìm đến thị trường trái phiếu nhiều do lo ngại các ngân hàng có thể thiếu hụt các khoản cho vay trong dài hạn. Trong khi đó, nhiều tổ chức và cá nhân đi vay cũng đổ xô vào trái phiếu do lo ngại những thay đổi tốn kém trong quy tắc vốn và thanh khoản.

Chuyên gia đến từ Citigroup châu Á, ông Terence Chia, nhận định 100 tỷ USD là một mốc quan trọng đối với châu Á - một thị trường mà 10 năm trước đây chỉ phát hành khoảng 10 tỷ USD trái phiếu/năm.

Trong số 100 tỷ USD trái phiếu, phần lớn đến từ các doanh nghiệp, chiếm khoảng 57,4 tỷ USD giá trị các giao dịch trái phiếu, tăng vọt so với năm 2011 và 2010 (lần lượt là 20 và 14 tỷ USD).

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đóng góp một phần rất lớn, ước tính chiếm khoảng 23,5 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm ngoái đồng thời vượt qua mức kỷ lục 20 tỷ USD đạt được trong năm 2010.

Nhà phân tích tại JPMorgan, ông Mark Follett, nhận định rằng các ngân hàng đã được định hướng để phát hành thêm trái phiếu nợ, thậm chí ngay cả khi nhiều ngân hàng sở hữu quỹ tiền gửi tương đối khỏe mạnh và ổn định. Nguyên nhân chủ yếu là những ngân hàng này cần chuẩn bị cho việc ra đời các quy tắc ngân hàng toàn cầu mới, trong đó quy định cách thức các ngân hàng phải quản lý quỹ hoặc tính thanh khoản của mình, đồng thời bắt buộc họ phải nắm giữ thêm vốn, ông Follett cho biết.

Người đứng đầu các thị trường nợ của HSBC, ông Stephen Williams, lại cho rằng việc các ngân hàng phát hành trái phiếu nợ là nhằm tận dụng chi phí thấp trước khi Basel III được áp dụng.

"Các ngân hàng đang cố gắng tận dụng nốt những lợi thế sót lại từ Basel II, đặc biệt là các khoản nợ thứ cấp. Bởi lẽ, các trái phiếu ngân hàng sẽ trở nên đắt hơn nếu Basel III được áp dụng", ông nói.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện