Pháp công bố Chính phủ mới
Những thay đổi lớn nhất của tân Thủ tướng Manuel Valls là ở các Bộ liên quan đến kinh tế, việc làm, giáo dục… những vấn đề gây nhiều căng thẳng nhất và cũng bị coi là thất bại nhất trong 2 năm qua. Hai ông Laurent Fabius và Jean-Yves Le Drian đều tiếp tục ở lại cương vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng trong khi các Bộ về kinh tế đều thay đổi lãnh đạo.
Riêng trường hợp trụ lại trong chính phủ của Bộ trưởng tư pháp Christiane Taubira là một ngạc nhiên, bởi trước đó nhiều ý kiến cho rằng, bà Taubira sẽ bị gạt khỏi chính phủ mới do bị nghi dính líu đến vụ nghe lén liên quan đến cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy; mâu thuẫn với ông Valls trong cải cách về luật hình sự. Lý do bà giữ vững vị trí là bởi bà Taubira có uy tín tương đối cao trong cánh tả.
Hai nhân vật mới đáng chú ý bước vào nội các là bà Ségolène Royal, cựu ứng cử viên tổng thống và cũng là bạn gái cũ của tổng thống Francois Hollande được bổ nhiệm làm Bộ trưởng sinh thái và ông François Rebsamen vào vị trí Bộ trưởng lao động và đối thoại xã hội. Bà Royal thay vào vị trí của bà Cecile Duflot, người của đảng Xanh sau khi đảng này tuyên bố rút khỏi liên minh với đảng Xã hội vì bất đồng quan điểm với ông Manuel Valls.
Hai vị trí bộ trưởng tài chính và bộ trưởng kinh tế được chú ý nhiều. Với những điểm đáng thất vọng trong tăng trưởng của Pháp và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, ông Pierre Moscovici đã phải rời vị trí Bộ trưởng kinh tế và bị thay thế bằng ông Arnaud Montebourg – người được đánh giá là quyết liệt hơn.
Ông Montebourg cũng kiêm nhiệm Bộ sáng tạo và kinh tế thay cho bộ trưởng gốc Hàn quốc Fleur Pellerin. Tương tự, ông Michel Sapin, Bộ trưởng việc làm, phải nhường lại ghế cho ông Francois Rebsamen, một người thân cận của Tổng thống Hollande, và chuyển sang nắm Bộ Tài chính.
Ở Bộ Giáo dục, ông Vincent Peillon phải trả giá cho cải cách đầy tranh cãi về lịch học ở các cấp phổ thông và bị thay thế bởi ông Benoit Hamon, một nhân vật được đánh giá là cấp tiến trong đảng Xã hội.
Một số vị trí không gây nhiều căng thẳng như bộ trưởng văn hóa, Bộ các vấn đề xã hội, Bộ phi tập trung và cải cách chính phủ… vẫn được giữ nguyên với các lãnh đạo cũ./.
1. Laurent Fabius - Bộ trưởng Ngoại giao 2. Ségolène Royal - Bộ trưởng Bộ Sinh thái, Năng lượng và Phát triển bền vững 3. Benoît Hamon - Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu. 4. Michel Sapin - Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ngân sách công 5. Arnaud Montebourg - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Phục hồi sản xuất và Công nghiệp số. 6. Marisol Touraine - Bộ trưởng Bộ Các vấn đề xã hội 7. Jean-Yves Le Drian - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 8. François Rebsamen - Bộ trưởng Bộ Lao động, Việc làm và Đối thoại xã hội 9. Bernard Cazeneuve - Bộ trưởng Bộ Nội vụ 10. Christian Taubira - Bộ trưởng Bộ Tư pháp 11. Najat Vallaud-Belkacem - Bộ trưởng Bộ Quyền của phụ nữ, thanh niên và thể thao. 12. Aurélie Filipetti - Bộ trưởng Bộ Văn hóa 13. Marylise Lebranchu - Bộ trưởng Bộ Phi tập trung, cải cách nhà nước và công chức nhà nước. 14. Stéphane Le Foll - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nông sản thực phẩm và lâm nghiệp - Người phát ngôn của chính phủ 15. George Pau-Langevin - Bộ trưởng Bộ Các vấn đề hải ngoại 16. Sylvia Pinel - Bộ trưởng Bộ Nhà đất. |
Thùy Vân – Đào Dũng (VOV – Paris)
Nguồn vov.vn