Chủ Nhật | 20/05/2012 08:02

Pháp có thể khủng hoảng nợ như Hy Lạp?

Pháp cần bắt đầu thực hiện ngay chương trình thắt lưng buộc bụng và chương trình cải cách để tránh kịch bản đang xảy ra với Hy Lạp.
Có thể tân Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande, có nhiều điểm khác biệt với Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu đã đồng ý về nguyên tắc trong việc đưa ra chiến lược tăng trưởng cho châu lục này đúng như kế hoạch vào cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu vào tháng tới.

Trong chuyến công du sang Berlin để hội đàm với bà Merkel, máy bay của ông Hollande đã bị sét đánh, và người ta vẫn có thể bỏ qua cho vị tân Tổng thống này khi ông nghĩ rằng đây là điềm báo về khó khăn thách thức trong những ngày tháng sắp tới.

Giải quyết tình hình Hy Lạp và khủng hoảng nợ là ưu tiên hàng đầu của ông Hollande, nhưng theo một nhà kinh tế học, nhiệm vụ lớn nhất của tân tổng thống có thể giúp ngăn chặn sự sụp đổ của nhóm nước có nguy cơ vỡ nợ trong khu vực đồng euro (eurozone) – được gọi là “PIIGS”, gồm Bồ Đào Nha, Italia, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Theo Jan Poser, kinh tế trưởng tại Tổ chức nghiên cứu Sarasin, nếu thiếu các biện pháp khắc khổ, Pháp sẽ tự khiến mình gặp rắc rối với thị trường trái phiếu. Ông cho rằng: “Bản thân nước Pháp không thể tự cấp tiền cho mình, mà phải dựa vào nguồn vốn từ nước ngoài. Hơn nữa, thâm hụt của chính phủ và thâm hụt tài khoản vãng lai trong mỗi trường hợp đều cao hơn mức trung bình của eurozone.

Pháp đang ngày một tiến sát hơn nhóm PIIGS. Một thái độ thiếu nghiêm túc về việc giảm bớt nợ nần sẽ không chỉ khiến Pháp tụt hạng, mà còn khiến nhà đầu tư nước ngoài thoái chạy khỏi nước này”.

Trong khi đó, Mỹ, Anh và Đức có được “báu vật” (hoặc đang có được lòng tin của nhà đầu tư) là lãi suất của các nước này thấp hơn tốc độ tăng trưởng danh nghĩa, do vậy, mức nợ tự động giảm dần theo thời gian, Pháp phải đạt được thặng dư ngân sách để cắt giảm nợ. Sự gia tăng lãi suất sẽ càng khiến trở ngại ngân sách ngày một cao hơn.

Tuy vậy, mọi chuyện không hẳn tồi tệ đối với ông Hollande và nước Pháp khi xét đến các yếu tố tích cực như khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nước này, nhân khẩu học thuận lợi và chi phí lãi các khoản nợ ở mức thấp.

Và lời khuyên ông Jan Poser đưa ra là “Pháp cần bắt đầu thực hiện ngay chương trình thắt lưng buộc bụng và chương trình cải cách”.

Nguồn CNBC/DVT


Sự kiện