Thứ Tư | 05/06/2013 10:00

Pháp có nguy cơ tụt hậu so với Hy Lạp nếu không cải cách

Pháp có nguy cơ tụt hậu so với các nước nhận cứu trợ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha khi những nước này đang nỗ lực lấy lại khả năng cạnh tranh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 4/6 cho biết khôi phục khả năng cạnh tranh vẫn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đồng thời kêu gọi chính phủ Pháp tự do hoá nền kinh tế và giảm chi phí lao động để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

Theo IMF, triển vọng tăng trưởng của châu Âu "bấp bênh" và gánh nặng thuế cao tại Pháp đã ảnh hưởng nặng nề tới quyết định chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là kinh tế Pháp sẽ suy thoái sâu hơn dự kiến.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Pháp từ -0,1% xuống -0,2% vào năm nay và từ 0,9% xuống 0,8% trong năm 2014. Trong quý đầu năm 2013, kinh tế Pháp giảm 0,2% đẩy quốc gia này chìm vào suy thoái.

IMF chỉ trích các chính sách lao động của Pháp quá cứng nhắc khiến gánh nặng thuế tăng gấp 3 lần nền kinh tế. Trong bối cảnh sản xuất suy yếu, chi phí lao động của Pháp vẫn giữ nguyên do đó làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Do vậy, các chính sách này cần được nới lỏng, theo Edward Gardner, đại sứ của IMF về Pháp.

Thêm vào đó, IMF kêu gọi Pháp tăng cường tính cạnh tranh trên các thị trường sản phẩm và dịch vụ để cải thiện khả năng cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia ngoài khu vực đồng euro (eurozone). Pháp cũng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy các khoản cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đang nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh lớn nhất so với các đối thủ eurozone trong một năm qua tính đến tháng 3. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khả năng cạnh tranh của Hy Lạp tăng 1,9%, Bồ Đào Nha 1,8% và Ireland 1,2%.

IMF cho biết gánh nặng thuế của Pháp đã vượt quá mức và kêu gọi nên tập trung vào mục tiêu ngân sách. Các quan chức châu Âu cũng cảnh báo nhiều lần về khả năng cạnh tranh thấp của Pháp cùng với nợ chính phủ cao sẽ đe dọa eurozone.

Tháng trước, Pháp đã được gia hạn thêm 2 năm để đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống mức quy định 3% của EU. Ủy ban châu Âu (EC) lên tiếng kêu gọi Pháp cần cải cách lương hưu, tăng tuổi nghỉ hưu và cải tổ thị trường lao động.

Báo cáo ngày 4/6 của IMF về Pháp đưa ra sau một ngày IMF hạ một nửa triển vọng tăng trưởng kinh tế Đức và cảnh báo kinh tế Đức có thể tồi tệ hơn nếu châu Âu không phục hồi.

Nguồn TheTelegraph/Dân Việt


Sự kiện