Dữ liệu của chính phủ cho thấy có 19,9 triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong 10 tháng đầu năm, so với 26,9 triệu cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Getty Images.

 
Bảo Hân Thứ Năm | 07/12/2023 13:44

"Phao cứu sinh" của ngành hàng xa xỉ toàn cầu

Nhật, điểm đến du lịch hấp dẫn với 126 triệu dân gồm nhiều người tiêu dùng giàu có, luôn là thị trường đáng tin cậy cho các thương hiệu xa xỉ.

Ở một góc quận Ginza hào nhoáng của Tokyo, hàng dài người mua sắm háo hức xếp hàng trước tủ trưng bày bằng kính trên tầng cao nhất tại cửa hàng bảy tầng của Louis Vuitton.

Tuy nhiên, họ không chờ đợi để mua túi xách hay đồng hồ từ thương hiệu xa xỉ của Pháp mà là sôcôla hàng hiệu. Một hộp 8 viên được bán với giá 18.000 yen (112 euro) tại quán cà phê Louis Vuitton trong tòa nhà nhiều màu sắc, nơi thu hút sự chú ý giữa hàng loạt thương hiệu xa xỉ quyền lực nhất thế giới. Những người tiêu dùng này đều muốn hưởng lợi từ đồng yen yếu và điều này đang thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ ở Nhật.

Gần Matsuya, một trong những cửa hàng bách hóa sang trọng hàng đầu của thành phố, doanh số bán hàng của các thương hiệu bao gồm Gucci, Dior và Manolo Blahnik đang vượt kỷ lục. “Du khách nước ngoài được hưởng lợi từ đồng yen yếu hơn. Trước đây, có sự khác biệt lớn giữa việc mua hàng ở Tokyo hay Paris, nhưng bây giờ sự khác biệt đã giảm bớt”, ông Nobuhiro Hattori, người đứng đầu bộ phận Chiến lược khách hàng tại Matsuya cho biết.

Xu hướng này đang diễn ra trên khắp Tokyo. Tại trung tâm hàng cao cấp Takashimaya khu vực Shinjuku, doanh số bán hàng tăng gần 1,5 lần so với năm 2019, thúc đẩy lợi nhuận của các công ty xa xỉ toàn cầu.

"Phao cứu sinh"

Đối với LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, Nhật là khu vực mà 75 thương hiệu trực thuộc tăng trưởng nhanh nhất, báo cáo doanh số bán hàng tại quốc gia này tăng trưởng 31% trong 9 tháng đầu năm bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái và 3 năm sụt giảm của ngành.

 

Nhật, một điểm đến du lịch hấp dẫn với 126 triệu dân bao gồm nhiều người tiêu dùng giàu có, luôn là thị trường mạnh mẽ đáng tin cậy cho các thương hiệu xa xỉ. Nhưng đồng tiền yếu kết hợp với làn sóng du khách Trung Quốc đang trỗi dậy và thúc đẩy tăng trưởng.

Louis Vuitton đang "cưỡi" làn sóng này. Theo các Giám đốc Điều hành và nhà phân tích của LVMH, thương hiệu xa xỉ đầu tiên đạt doanh thu hàng năm 20 tỉ euro này cho đến nay vẫn bán chạy nhất ở Nhật và cao gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Hermès.

Ở hầu hết các nhóm hàng xa xỉ, Nhật đang vượt trội so với các khu vực khác. Theo Morgan Stanley, doanh số bán hàng tại Nhật của Prada tăng 41% trong quý gần đây, trong khi mức tăng trưởng chậm nhất, ước tính đạt 16-17% thuộc về Moncler.

Bà Sarah Willersdorf, Chuyên gia về hàng xa xỉ toàn cầu tại công ty tư vấn BCG, cho biết: “Nhật luôn quan trọng đối với hàng xa xỉ, ngay cả khi Trung Quốc trỗi dậy và chiếm tỉ trọng lớn trong doanh số bán hàng”.

Nhu cầu nước ngoài mạnh mẽ là rất quan trọng và đã thúc đẩy LVMH, công ty sở hữu các thương hiệu bao gồm Dior và trang sức Tiffany, đầu tư vào dịch vụ và tiếp thị tại Nhật.

Nhu cầu nội ngoại

Ông Edouard Aubin, Nhà phân tích hàng xa xỉ tại Morgan Stanley cho biết, sự tăng trưởng hàng xa xỉ ở Nhật “rất rộng rãi nhưng chủ yếu dựa vào khách du lịch”.

Tuy nhiên nó cũng xuất phát từ nền tảng của nhu cầu nội địa vững chắc, nơi đồng tiền yếu hơn cũng đóng vai trò giữ chân khách du lịch Nhật ở nhà nhiều hơn để chi tiêu tại các cửa hàng ở Ginza sau đại dịch.

Ông Norbert Leuret, người đứng đầu LVMH tại Nhật, cho biết: “Các động lực cơ bản là dân số già giàu có, số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động cao, sự hấp dẫn của các sản phẩm bền vững và thực tế là người Nhật đang ở lại và tiêu dùng tại đất nước của họ. Kết hợp lại sẽ tạo ra một thị trường xa xỉ đang phát triển rất sôi động”.

Doanh số hàng xa xỉ tại Nhật Bản so với trên toàn cầu. Ảnh: FT.
Doanh số hàng xa xỉ tại Nhật so với trên toàn cầu. Ảnh: FT.

Tại hãng thời trang Gucci, doanh số bán lẻ toàn cầu giảm 7% trong quý III nhưng lại tăng 32% tại Nhật. Tại Burberry, nhà cung cấp áo khoác cổ điển của Anh đang phải vật lộn với doanh số bán hàng yếu kém khi muốn tái định vị chính mình, thế nhưng Morgan Stanley ước tính doanh số bán lẻ tương tự trong quý III tại Nhật đã tăng 60%.

Người mua Trung Quốc nói riêng được biết đến là rất thích sự khác biệt về giá cả, đó là một phần lý do khiến họ đi mua sắm. Hiện tại, chi phí mua các sản phẩm của Gucci ở Nhật và châu Âu gần như tương đương, do đồng yen yếu và giá do công ty niêm yết, trong khi chúng có giá cao hơn khoảng 30% ở Mỹ và hơn 20% ở Trung Quốc.

Đối với Leuret, sự thành công của các thương hiệu đang gặp khó khăn ở nơi khác cũng có thể liên quan đến văn hóa trung thành với thương hiệu của người tiêu dùng Nhật. Ông nói: “Nhật là đất nước mà các thương hiệu không bao giờ chết. Nếu bạn mua Vuitton là bạn mua nó suốt đời, nếu bạn mua Dior hay một thương hiệu của tập đoàn khác thì cũng như vậy”.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy có 19,9 triệu du khách nước ngoài đến Nhật trong 10 tháng đầu năm, so với 26,9 triệu cùng kỳ năm 2019. Đồng yen không chỉ giữ chân người Nhật chi tiêu ở Tokyo mà còn thu hút những du khách giàu có từ Mỹ, Trung Đông và các nơi khác ở châu Á. Trong 6 tháng tính đến tháng 9, doanh số bán hàng miễn thuế, giao dịch mua hàng của khách du lịch đủ điều kiện được hoàn thuế tại Matsuya đạt gần 14 tỉ yen, so với khoảng 10 tỉ yen vào năm 2019.

Có thể bạn quan tâm:

 Cơ hội việc làm ở Mỹ đạt mức thấp nhất trong hai năm

Nguồn FT