Phản ứng của các nước về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng cho rằng, hành động phóng tên lửa của Triều Tiên là vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc, và Washington không có ý định giữ cam kết viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc trong khi đó, Hàn Quốc cho triển khai tàu và trực thăng quân đội để tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa. Quốc hội Hàn Quốc dự kiến triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào 3 giờ chiều nay theo giờ địa phương để bàn về vụ phóng tên lửa.
Ngoài ra, Seoul cũng kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hành động về việc Triều Tiên kiên quyết phóng tên lửa, vệ tinh bất chấp sự phản đối của quốc tế. Dự kiến, Hội đồng bảo an sẽ nhóm họp vào hôm nay để thảo luận vụ việc.
Ngay sau thông tin phóng tên lửa, Nhật Bản đã gửi công hàm khiếu nại đến Triều Tiên thông qua kênh ngoại giao.
Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết, hiện quân đội nước này vẫn trong tình trạng báo động cao ngay cả khi Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng tên lửa. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và các thành viên nội các cũng sẽ nhóm họp khẩn cấp về vấn đề này vào lúc 8h40' sáng nay theo giờ địa phương.
Tờ Kyodo cho biết, hiện Chính phủ Nhật Bản chưa đánh giá được ảnh hưởng của vụ phóng tên lửa đến nước này, song dự đoán sẽ không có tác động đáng kể từ việc rơi xác tên lửa, vệ tinh Triều Tiên.
Theo thông tin ban đầu từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên đã lao xuống biển chỉ 1 phút sau khi phóng. Xác tên lửa được cho là rơi từ độ cao 120 km và vỡ thành 4 mảnh rơi xuống Hoàng Hải, phía Tây bán đảo Triều Tiên.
Phía quân đội Hàn Quốc xác nhận, mảnh vỡ của tên lửa Triều Tiên đã rơi xuống ngoài khơi cách thành phố Kunsan bên bờ biển phía Tây Hàn Quốc từ 190km-210km, không có mảnh vỡ nào rơi ở đất liền.
Về phần mình, Philippines đã dỡ bỏ cảnh báo vùng cấm bay, cấm tàu thuyền hoạt động sau khi thông tin vụ phóng tên lửa thất bại được xác nhận.
Nguồn Yonhap/NHK/DVT