Phải chờ TPP đến năm 2017?
Cuối cùng thì việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không thể kết thúc trong tuần trước. Với sự tham gia của 12 nước, việc đi đến được một thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên chắc chắn là không hề dễ dàng.
Một bài bình luận về tương lai của TPP đăng trên tạp chí Forbes nhận xét, các chính trị gia đã nói rất nhiều lần rằng vòng đàm phán ở Maui, Hawaii sẽ mang đến thỏa thuận mà thị trường chờ đợi. Thế rồi khi kết quả hoàn toàn ngược lại, họ lại nói những câu “vuốt đuôi” kiểu như “đã có nhiều bước tiến”, hay “sẽ sớm có TPP thôi”.
Thực tế thì sao? Thậm chí cho đến tận thời điểm ngày thứ Hai tuần này (ngày 3/8), một mốc thời gian cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo vẫn chưa được đưa ra. Phía trước còn quá nhiều những vấn đề gây tranh cãi, và cho đến nay, dường như chưa “ông lớn” nào chịu nhượng bộ, trong khi những nước nhỏ đã lùi bước rất nhiều.
Ở Mỹ, sẽ cần khoảng 90 ngày làm việc để một thỏa thuận cuối cùng vượt qua được vòng bỏ phiếu của Quốc hội. Thế nhưng trong năm 2015, Quốc hội Mỹ chỉ còn làm việc 45 ngày nữa, dù tất nhiên nếu muốn, họ có thể tăng thêm số ngày làm việc. Vấn đề ở chỗ, họ có thực sự muốn làm điều đó hay không?
Bài viết trên Forbes nhìn nhận, nếu cho đến cuối năm nay TPP vẫn chưa được phê chuẩn, khả năng nó được hoàn thành trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama là thấp.
Chính quyền của Tổng thống Obama vẫn hy vọng Hạ viện và Thượng viện nước này sẽ bỏ phiếu cho TPP vào đầu năm 2016, dù cũng biết khả năng này khó xảy ra.
Bởi, như thực tế đã minh chứng trong vài tháng qua, phần lớn nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ sẽ bỏ phiếu chống TPP. Trong bối cảnh của năm bầu cử, khi một lá phiếu thuận sẽ có thể làm tổn hại sự nghiệp chính trị, người ta không dễ làm điều mạo hiểm.
Mặt khác, Quốc hội Mỹ hiếm khi thông qua một thỏa thuận nào mang tính bước ngoặt như TPP trong năm bầu cử.
Trong khi đó, các cường quốc tham gia đàm phán TPP dường như ai cũng muốn phần lợi lớn nhất về phía mình.
Người Nhật chỉ muốn ăn gạo Nhật, họ không muốn ăn gạo Mỹ, không muốn nhìn thấy gạo Mỹ trên đất Nhật, nhưng cùng lúc đó lại muốn thấy toàn ôtô Nhật chạy trên các xa lộ của Mỹ.
Ngay cả khi muốn bán ôtô vào Mỹ, họ cũng không muốn tuân thủ các quy định của Hiệp hội Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Họ không muốn phần nào của chiếc ôtô được sản xuất ở một trong các nước Bắc Mỹ cả. Nói cách khác, người Nhật muốn kiếm lợi từ đầu đến cuối.
Và hiện tại, người Nhật còn đang tức giận khi mới đây, WikiLeaks công bố tài liệu cho thấy cơ quan an ninh Mỹ đã nghe lén Chính phủ Nhật và nhiều tập đoàn lớn nước này trong một thời gian dài, từ tháng 9/2006 đến tháng 9/2007, trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Ngồi vào bàn đàm phán với các chính trị gia Mỹ với suy nghĩ người Mỹ đã “nắm thóp” mình, người Nhật chắc hẳn rất khó chịu.
Người Úc và New Zealand thì kiên quyết không chịu nhượng bộ người Mỹ trong vấn đề bản quyền trong lĩnh vực dược phẩm. Họ muốn dược phẩm phải được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong 12 năm, trong khi phía Mỹ muốn thời hạn này chỉ là 5 năm.
Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách Úc cho đến nay dù nhất quyết không nhượng bộ Mỹ trong lĩnh vực dược phẩm, nhưng vẫn muốn xuất thêm đường vào Mỹ.
Với lợi thế về sản xuất sữa với giá thành rẻ nhất nhì thế giới, New Zealand muốn Mỹ, Canada và Nhật mở cửa thị trường đón sản phẩm nước này, nhưng Canada từ chối.
Lý do cũng không quá khó hiểu, Canada chuẩn bị có cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 10 năm nay, và ít có chính trị gia nào lại muốn đánh cược với sự nghiệp khi chấp thuận cho một điều khoản thương mại không mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
Các nhà đàm phán sẽ có thể thống nhất được với nhau trong tháng sau hay tháng sau nữa, chưa ai có thể đoán trước. Tín hiệu tốt duy nhất cho đến lúc này là phần đông trong số họ còn rất nhiệt tình muốn ngồi lại để đàm phán.
Nhưng nếu việc đàm phán không sớm kết thúc, TPP có thể bị “treo” tại Mỹ cho đến tận năm 2017. Số phận của TPP sẽ còn bi đát hơn nữa, nếu một chính khách thuộc Đảng Dân chủ trở thành Tổng thống Mỹ trong năm 2016.
Nguồn vnEconomy