Phá thế độc quyền của ngân hàng
Ở một vài nước, khách hàng của chuỗi café Starbucks cũng không cần đến thẻ và tiền mặt. Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động, quét barcode và mua được cà phê. Khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ sẽ được tích điểm thưởng.
Trong số các dịch vụ thanh toán trực tuyến ngày càng xuất hiện nhiều ở Mỹ có một doanh nghiệp tên là Square. Công ty này cung cấp cho khách hàng một chiếc ví điện tử chứa toàn bộ các thông tin chi tiết về thẻ tín dụng cũng như các chính sách dành cho khách hàng thân thiết và khách hàng có thể truy cập vào đây từ điện thoại di động.
Với Square, người mua hàng thậm chí không cần chạm vào điện thoại và chỉ cần mang nó theo bên mình. Ứng dụng này được bật lên và có cơ chế “check in” khi khách hàng bước vào một cửa hàng bất kỳ nằm trong hệ thống của hãng. Khi khách hàng muốn thanh toán, tất cả những gì cần làm là nói cho người thu ngân biết tên của họ và cho biết họ đang sử dụng Square. Họ không cần đến những thông tin như chữ ký, số PIN, số thẻ ... Thay vào đó, hệ thống thu ngân sẽ nhận được một bức ảnh của chủ tài khoản. Square gửi tới anh ta một tin nhắn xác nhận giao dịch để đảm bảo số tiền thanh toán là chính xác.
Thế giới các phương tiện thanh toán đang thay đổi: ngày càng nhiều hàng hóa được mua qua mạng và khách hàng sử dụng điện thoại để thanh toán nhiều hơn. Công nghệ tân tiến giúp họ thực hiện giao dịch một cách dễ dàng. Hệ thống thanh toán PayPal có tới 143 triệu tài khoản đang hoạt động và xử lý các giao dịch với giá trị lên tới 180 tỷ USD trong năm ngoái.
Đặc biệt hơn, thanh toán trực tuyến không chỉ nở rộ ở các nền kinh tế phát triển. Ở Kenya, khoảng 60% người trưởng thành sử dụng hệ thống thanh toán qua di động có tên gọi M-PESA. Dịch vụ cũng rất đa dạng, từ thanh toán hóa đơn tiền điện cho tới thanh toán tiền hàng của cả một công ty.
Không có gì đáng ngạc nhiên, những ông lớn trong ngành Internet đã để ý tới mảng này. Google có ví điện tử, Amazon vừa triển khai dịch vụ chuyển tiền, Apple vừa tung ra Apple Pay và cả Facebook cũng tỏ ra có hứng thú. Các công ty viễn thông (như Safaricom, công ty đứng sau M-PESA) và các chuỗi nhà hàng như Starbucks cũng bước đầu nhảy vào lĩnh vực này.
Rõ ràng là các ngân hàng đang bị yếu thế trong trận chiến này. Thanh toán vốn là mảng kinh doanh lớn của ngân hàng, mang về 1.300 tỷ USD trong năm 2012, tương đương 34% lợi nhuận của hệ thống ngân hàng toàn cầu. Và, doanh thu đến từ mảng thanh toán cũng đang tăng trưởng vững chắc: trong thời kỳ 2008 – 2012 đều tăng trưởng 3% mỗi năm (trong khi các thu nhập khác chỉ tăng 1%).
Tuy nhiên, giống như hoạt động cho vay, các ngân hàng nhận ra rằng những quy định mới đang “ăn” vào doanh thu từ hoạt động thanh toán. Mới đây, châu Âu vừa ban hành luật mới yêu cầu các ngân hàng chỉ được tính phí 0,2% giá trị trên mỗi giao dịch đối với thẻ ghi nợ và 0,3% đối với thẻ tín dụng. Ở Mỹ, đạo luật Dodd-Frank (2010) cũng giới hạn mức phí đánh vào thẻ ghi nợ.
Giới chức Mỹ cũng vừa phạt một số công ty phát hành thẻ với tội danh ép khách hàng sử dụng những dịch vụ đắt đỏ nhưng không cần thiết, ví dụ như bảo hiểm cho trường hợp mất thẻ. Một vụ scandal tương tự cũng khiến các ngân hàng ở Anh phải trả giá đắt.
Tất cả những điều kể trên là nỗi lo lắng của các ngân hàng bởi thẻ tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu đến từ hoạt động thanh toán. Theo McKinsey, tỷ lệ ở Bắc Mỹ là 41%. Hơn nữa, thẻ tín dụng đang tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Hiện Brazil là thị trường lớn thứ hai thế giới cho các giao dịch bằng thẻ.
Dẫu vậy, các dịch vụ thanh toán mới cũng gặp phải một số khó khăn. Trên thực tế, bằng cách làm cho việc mua bán hàng hóa trở nên dễ dàng hơn, hầu hết các dịch vụ thanh toán mới đang tạo thêm công ăn việc làm cho các ngân hàng. Khi một khách hàng sử dụng PayPal để mua hàng, anh ta vẫn phải tìm cách để lập tài khoản PayPal và giai đoạn này cần đến quá trình thanh toán bằng thẻ hoặc chuyển khoản trực tiếp từ một tài khoản ngân hàng. Tương tự như vậy, khách hàng của Starbucks cũng phải sử dụng những biện pháp thanh toán truyền thống.
Tuy nhiên, các công ty thanh toán trực tuyến có thể “ăn cắp” doanh thu của ngân hàng. Ở một số nước, Paypal khuyến khích người dùng giao dịch trực tiếp tại ngân hàng thay vì giao dịch bằng thẻ bằng cách đánh phí thấp hơn. Giao dịch tại ngân hàng sẽ giúp PayPal tiết kiệm được nhiều chi phí vì khoản phí sẽ được tính cố định thay vì tính bằng phần trăm giá trị giao dịch. Và, điều quan trọng nhất là khi thực hiện giao dịch trực tiếp, các ngân hàng sẽ đánh mất thông tin khách hàng vốn được sử dụng để bán chéo sản phẩm.
Các công ty công nghệ không phải là đối thủ cạnh tranh duy nhất của ngân hàng. Các công ty bán lẻ cũng đang háo hức thâm nhập vào thị trường này, Ở Mỹ, một liên minh gồm Walmart, CVS và ExxonMobil đang thành lập hệ thống thanh toán qua di động mang tên Merchant Customer Exchange. Hệ thống này ra đời sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu của ngân hàng từ các giao dịch thẻ.
Các công ty viễn thông cũng coi tiềm năng tăng trưởng của thanh toán qua di động là cơ hội để bước vào cuộc chiến, AT&T, T-Mobile và Verizon, 3 trong số 4 nhà mạng lớn nhất nước Mỹ, đã thành lập liên minh mang tên Isis để phát triển hệ thống thanh toán qua di động và ví điện tử.
Nguồn CafeF/Infonet