Phá giá nhân dân tệ đặt dấu chấm hết cho sự ổn định của kinh tế toàn cầu
Hôm nay, nhân dân tệ giảm giá thêm 1,1%, nâng tổng mức giảm lên hơn 4%. Ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ thả nổi đồng tiền theo diễn biến thị trường, nhân dân tệ ghi nhận mức giảm sâu nhất 21 năm qua. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cũng nhanh chóng đưa ra những phản ứng đáp trả. Hôm qua, NHNN Việt Nam đã nâng biên độ tỷ giá USD/VND lên +/-2%, hòa chung cùng xu thế giảm giá các đồng tiền khác trong khu vực như đôla Singapore và won Hàn Quốc.
Nhân dân tệ trượt giá kích hoạt cơn phá giá cạnh tranh và gây cú sốc giảm phát toàn cầu khi giá xuất khẩu và hàng hóa giảm. Morgan Stanley qua rằng áp lực giảm phát ngành xuất khẩu Trung Quốc hoàn toàn không phải là một sự kiện nhỏ.
Stephen Jen, đồng sáng lập quỹ đầu tư SLJ Macro Partners LLP trụ sở tại London, cũng cho biết, cho đến trước ngày 11/8, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc - cùng nhau chia sẻ gánh nặng đồng tiền mạnh. Nhưng giờ đây, gánh nặng này đang dồn vào Mỹ.
Ảnh hưởng giảm phát
Hans Redeker, phụ trách chiến lược ngoại hối toàn cầu của Morgan Stanley, cho biết, nhân dân tệ giảm giá sẽ dịch chuyển lợi nhuận và khối lượng xuất khẩu từ các đối tác thương mại vào Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc cần một chính sách phá giá để cạnh tranh với các nhà sản xuất khu vực châu Á và điều này kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm giảm giá hàng hóa và hạ thấp lạm phát trên toàn thế giới.
Trong ngắn hạn, động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ làm tăng thách thức đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến các thị trường biến động mạnh hơn.
Tao Dong, kinh tế trưởng khu vực châu Á của Credit Suisse Group AG tại Hong Kong cho biết, đồng tiền Trung Quốc đã từng được biết đến vì khả năng kiểm soát của mình trong suốt hai thập kỷ qua, và giờ đây điều này đã kết thúc. Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, là thị trường tiêu thụ hàng hóa và máy móc lớn nhất và cũng là mỏ neo cho các nền kinh tế khu vực châu Á.
Vai trò mỏ neo của Trung Quốc
Trở lại những năm 2009, cựu phó thống đốc PBOC Zhu Min từng nói xuất khẩu giảm là lý do tốt nhất để Trung Quốc giảm giá nhân dân tệ trong suốt thời gian khủng hoảng tài chính, nhưng thay vào đó, nước này đã chọn cách giữ đồng nội tệ ổn định.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Dai Xianglong tuyên bố, bất chấp áp lực ngày một tăng của các nước xuất khẩu, Trung Quốc nhất định duy trì giá trị của nhân dân tệ nhằm cung cấp "mỏ neo cho sự ổn định của châu Á".
Chen Xingdong, kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc tại BNP Paribas SA ở Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc luôn được tán dương về việc duy trì nhân dân tệ ổn định trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng toàn cầu 2008. Nhưng lần này, Trung Quốc không nhận được sự công nhận tương tự từ IMF, do vậy, sự khích lệ từ quốc tế trong việc giữ ổn định nội tệ không còn nữa.
Nhân dân tệ mất giá sẽ ảnh hưởng đến các đối tác xuất khẩu vào Trung Quốc. Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia là 3 quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất. Giống như các nước nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ nhập khẩu tác động giảm phát từ động thái phá giá nhân dân tệ như khu vực eurozone và và Mỹ - tuy tác động có phần nào nhẹ hơn.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg