Pfizer với đối tác BioNTech của Đức và Moderna đã cùng nhau thu được hơn 60 tỉ USD từ việc bán vaccine COVID-19 chỉ trong năm 2021 và 2022. Ảnh: Reuters.
Pfizer, Moderna ước tính thu về hàng tỉ USD nhờ mũi tiêm bổ sung
Theo Reuters, các hãng dược phẩm Pfizer, BioNTech và Moderna dự kiến sẽ thu về hàng tỉ USD từ mũi tiêm tăng cường của vaccine COVID-19 trong những năm tới. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một thị trường cạnh tranh tương đương với mức doanh thu 6 tỉ USD hàng năm từ việc bán vaccine cúm.
Trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh chóng, các công ty cho rằng những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ cần thêm một liều vaccine bổ sung để duy trì sự bảo vệ theo thời gian và chống lại các biến thể mới.
Hiện, danh sách các chính phủ quyết định tiêm mũi vaccine bổ sung cho người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu đang ngày một dài, trong đó có Chile, Đức và Israel. Anh và Mỹ, cùng nhiều nước khác, dự kiến cũng triển khai kế hoạch này.
60 tỉ USD là số tiền mà Pfizer cùng với đối tác BioNTech của Đức và Moderna cùng nhau thu được từ việc bán vaccine Covid-19 chỉ trong năm 2021 và 2022.
Tiến sĩ Yomaris Pena, Bác sĩ Nội khoa với Chăm sóc Cộng đồng Somos tại COVID-19 chiết xuất vaccine Pfizer COVID-19 năm 2021. Ảnh: AP. |
Giới phân tích dự báo doanh thu trong năm 2023 của Pfizer/BioNTech sẽ đạt hơn 6,6 tỉ USD và Moderna đạt 7,6 tỉ USD, chủ yếu nhờ doanh thu bán vaccine liều bổ sung.
Các nhà sản xuất vaccine cho rằng có bằng chứng cho thấy mức độ kháng thể suy yếu ở những người được tiêm vaccine sau 6 tháng, cũng như tỉ lệ nhiễm bệnh sẽ gia tăng ở những nước bị biến thể Delta tấn công. Điều này hỗ trợ cho lập luận cần tiêm liều vaccine COVID-19 bổ sung.
Hôm 12/8, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấp phép cho những người có hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương sẽ được tiêm một liều vaccine tăng cường từ Pfizer hoặc Moderna.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học đặt nghi vấn về việc liệu có đủ bằng chứng để chứng minh tiêm mũi bổ sung là cần thiết, nhất là đối với những người trẻ tuổi và khỏe mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị các chính phủ hoãn triển khai việc tiêm mũi bổ sung cho đến khi thế giới có nhiều người hơn được tiêm mũi 1 vaccine COVID-19.
Nếu việc tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường là cần thiết đối với cộng đồng, thị trường vaccine COVID-19 sẽ tương tự với vaccine cúm. Mỗi năm các nhà sản xuất vaccine cung cấp cho thị trường hơn 600 triệu liều vaccine phòng cúm.
Hiện có 4 “kỳ phùng địch thủ” sản xuất vaccine cúm tại thị trường Mỹ. Đây cũng là những nhà sản xuất thu được nhiều lợi nhuận nhất, chiếm khoảng 1/2 doanh thu toàn cầu.
Nhà phân tích Steve Chesney thuộc Atlantic Equities cho rằng: tỉ lệ tiêm vaccine phòng cúm ở các nước đang phát triển hiện chiếm khoảng 50% dân số mỗi năm. Do đó, việc tiêm mũi vaccine COVID-19 bổ sung có thể sẽ diễn ra theo mô hình tương tự với vaccine phòng cúm nếu kế hoạch này được triển khai rộng rãi.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, hiện một liều vaccine phòng cúm có giá dao động từ 18-25 USD và cạnh tranh khiến giá vaccine tăng có kiểm soát. Trong năm 2021, các nhà sản xuất vaccine tăng khoảng 4 hoặc 5% giá bán. Tuy nhiên, Pfizer và Moderna đều có quyền tăng giá bán liều bổ sung, cho đến khi xuất hiện các nhà đối thủ khác.
Thực tế ban đầu Pfizer ấn định giá bán 19,5 USD/liều vaccine tại Mỹ và 22,9 USD/liều tại Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, trong các thỏa thuận sau đó, hãng này nâng giá bán lần lượt là 24% và 25%. AstraZeneca và Johnson & Johnson đều đang thu thập thêm dữ liệu về mũi tiêm bổ sung.
Nhà phân tích Damien Conover của Morningstar cho rằng: trong một năm tới, tất cả các nhà sản xuất vaccine có thể đều đưa ra kế hoạch triển khai mũi vaccine bổ sung.
Hiện, vẫn còn quá nhiều điều chưa chắc chắn về cách thức triển khai việc tiêm mũi vaccine COVID-19 bổ sung tại Mỹ, trong đó có khả năng người dân sẽ được tiêm mũi vaccine bổ sung bằng loại vaccine khác so với mũi tiêm trước. Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cũng đang triển khai nghiên cứu việc tiêm kết hợp vaccine. Một số nước khác thậm chí đã triển khai kế hoạch này trong những tháng gần đây.
Giới phân tích nhắc tới một yếu tố giúp kiềm chế đà tăng giá vaccine tại Mỹ, đó là nếu chính phủ tiếp tục trả tiền vaccine, thì họ có thể đàm phán giá trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, cũng như tận dụng sức mua để khống chế việc tăng giá.
Có thể bạn quan tâm:
Chuyên gia dịch tễ học người Mỹ: Miễn dịch cộng đồng là điều xa vời