Paul Krugman: Nhìn vào Nhật Bản
Những-người-siêu-nghiêm-túc nói nếu chúng ta chi tiêu tiếp thì sẽ bị thị trường trái phiếu trừng phạt. Nếu chúng ta in thêm tiền, lạm phát sẽ bùng lên.
Không làm được gì vì không ai cho ai làm cái gì cả, trừ việc tiếp tục thắt lưng buộc bụng rồi một ngày nào đó, một cách nào đó, sẽ có "quả ngọt". Nhưng nay dường như một cường quốc đang thay đổi, và ai mà ngờ được, đó lại chính là Nhật Bản.
Nhật Bản ắt không phải đất nước mà bình thường ta vẫn hy vọng có sự thay đổi. Người Nhật so sánh chính phủ với tã lót, "thay nhiều mới tốt", nhưng từ trước tới nay mọi chuyện vẫn thế.
Thủ tướng mới Shinzo Abe trước đây đã từng làm thủ tướng rồi và một số người xem việc đảng của ông thắng cử là sự trở lại của một tổ chức từng điều hành kém cỏi suốt hàng thập kỷ.
Hơn nữa, với núi nợ khổng lồ cùng dân số già nua, Nhật Bản bị xem là nước có ít dư địa chính sách nhất trong số các nước phát triển.
Nhưng khi quay trở lại nhiệm sở với lời cam kết sẽ chấm dứt tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản, thủ tướng Abe đã tiến hành những bước đi là phe "kinh điển" vốn cấm chỉ. Và những tín hiệu bước đầu cho thấy mọi chuyện có vẻ vẫn ổn.
Từ lâu trước khi khủng hoảng tài chính 2008 nhấn chìm Mỹ và châu Âu vào suy thoái sâu, Nhật Bản đã trải qua điều gần như tương tự.
Đầu tiên là bong bóng địa ốc chứng khoán vỡ tung đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái, tiếp theo là một chuỗi những phản ứng chính sách quá nhỏ, quá muộn và quá thiếu nhất quán.
Chắc chắn, ngân sách Nhật đã chi rất nhiều, nhưng vì sợ nợ nần nên chính phủ luôn rụt tay lại trước khi một đợt phục hồi vững chắc thành hình. Cho đến cuối những năm 1990, cái thành hình lại là giảm phát.
Đầu thế kỷ mới, ngân hàng trung ương Nhật Bản chống giảm phát bằng cách in thật nhiều tiền. Nhưng chính họ cũng rụt lại ngay khi có những dấu hiệu chuyển biến đầu tiên. Và giảm phát không bao giờ mất đi.
Tuy thế, Nhật Bản chưa bao giờ có cái thảm họa việc làm và nhân lực mà nước Mỹ đã chứng kiến kể từ năm 2008. Thực tế, các chính sách mà Mỹ đã ban hành vụn vặt đến nỗi tôi từng gợi ý giới kinh tế Mỹ (vốn thường thích lên án các chính sách của Nhật Bản) nên tới Tokyo mà xin lỗi Thiên hoàng. Rút cục thì nước Mỹ còn đối phó với suy thoái tệ hơn.
Với Nhật Bản, còn có thêm một bài học nữa: Thoát suy thoái hóa ra rất khó chủ yếu là vì không thể khiến các nhà hoạch định chính sách hành động kiên quyết.
Như vậy, vấn đề chính ở đây là chính trị chứ không phải kinh tế. Vì rủi ro khi bơm tiền cứu kinh tế nhỏ hơn nhiều so với những-người-siêu-nghiêm-túc muốn bạn tin.
Đặc biệt là với "nguy cơ" của nợ và thâm hụt ngân sách. Người Mỹ liên tục được cảnh báo phải giảm chi tiêu ngay-lập-tức hoặc Mỹ sẽ biến thành Hy Lạp. Nhưng Hy Lạp là một nước không có đồng tiền riêng, nên không thể so với Mỹ, mà tốt hơn là nên so với Nhật.
Dù những kẻ bi quan vẫn luôn dự báo Nhật Bản sẽ gặp khủng hoảng tài chính và lấy mỗi lần lãi suất tăng một chút làm "điềm báo" cho sự hủy diệt phía trước, nhưng mãi mà chẳng có "sự hủy diệt" nào cả. Chính phủ Nhật vẫn có thể vay dài hạn với lãi suất chưa tới 1%.
Giờ hãy tính tới chuyện thủ tướng Abe ép ngân hàng trung ương Nhật Bản phải tăng mức lạm phát mục tiêu (thực tế là dùng lạm phát để giảm nợ công) và vừa mới công bố một kế hoạch kích thích tài khóa khổng lồ. Các "ông kễnh" ngoài thị trường phản ứng thế nào?
Câu trả lời là, mọi chuyện vẫn tốt đẹp cả. Lạm phát kỳ vọng cách đây không lâu còn ở mức âm (tức thị trường kỳ vọng giảm phát sẽ tiếp tục) nay đã chuyển sang dương vững chắc.
Nhưng chi phí lãi vay của chính phủ gần như không đổi. Do có lạm phát nên tình hình tài khóa của Nhật thực tế đã cải thiện đáng kể. Thực tế, giá trị đồng yen đã giảm mạnh, nhưng đó lại là tin rất tốt và các nhà xuất khẩu Nhật đang ăn mừng.
Nói tóm lại, thủ tướng Abe đã quay lưng lại với lý thuyết "kinh điển", và thu được kết quả tuyệt vời.
Một số người am tường về chính trị Nhật đã khuyên tôi không nên nghĩ thủ tướng Abe là người tốt. Chính sách đối ngoại của ông này rất tệ và ông ta có ủng hộ kích thích tài khóa thực ra cũng là cách kiếm phiếu cử tri chứ không phải dám đi ngược lại lý thuyết "kinh điển".
Nhưng như thế thật thì đã sao. Dù với động cơ gì, thủ tướng Abe cũng đang phá tan thành trì của lý thuyết kinh tế "kinh điển".
Nếu ông thành công, thì đó sẽ là điều vô cùng ấn tượng: Nhật Bản từng là nước lớn đầu tiên rơi vào thế trì trệ kinh tế, họ cũng có thể là nước đầu tiên thoát khỏi tình cảnh ấy.
Nguồn CafeF