Thứ Hai | 09/06/2014 09:10

Paul Krugman: Cần có Abenomics cho châu Âu

Paul Krugman vừa có bài trả lời phỏng vấn trên tờ Les Echos (Pháp) bình luận về động thái mới nhất của ECB cũng như giải pháp cho Eurozone nói chung.
Paul Krugman - giáo sư danh dự trường đại học Princeton, chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 - đã chỉ trích việc tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo tại châu Âu làm theo Nhật Bản - quốc gia đã đưa ra các biện pháp đột phá, được gọi là "Abenomics" (được khởi bởi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe), nhằm đưa quốc gia châu Á này thoát khỏi bẫy giảm phát. Cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các chính phủ các nước thành viên Eurozone cũng phải chi tiêu ngân sách nhiều hơn và kích thích nền kinh tế tăng trưởng.

Paul Krugman
Paul Krugman kêu gọi Eurozone tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế đột phá và toàn diện tương tự như Abenomics của Nhật Bản

ECB: Hành động chậm trễ và ít hơn kỳ vọng

Đánh giá về một loạt các biện pháp nới lỏng tiền tệ (giảm lãi suất trong đó có lãi suất tiền gửi âm, hỗ trợ tín dụng dài hạn) vừa được ECB công bố ngày 5/6 vừa qua, Krugman cho rằng: "Tôi cảm thấy vui mừng khi thấy ECB rất nghiêm túc trong tình huống hiện nay". Ngoài ra, những tuyên bố trên có "đôi chút ít hơn mong đợi" khi những quyết định được đưa ra vào thời điểm muộn hơn so với những sự việc đã xảy ra. Krugman cho rằng các biện pháp của ECB không giải quyết được những khó khăn lớn đang tồn tại xuyên khắp các quốc gia thành viên Eurozone.

Đặc biệt, 400 tỷ Euro hỗ trợ tín dụng dài hạn dành cho các ngân hàng (trong khuôn khổ chương trình hoạt động tái cấp vốn dài hạn theo hạn mục tiêu - TLTROs) để thúc đẩy tín dụng gia tăng thực sự là số tiền "không thấm vào đâu". Chương trình theo gói hoạt động tái cấp vốn dài hạn (LTROs) trước đó đã có trị giá lên đến 1.000 tỷ Euro nhưng vẫn thất bại trong cả hai mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và nâng cao tỷ lệ lạm phát.

Theo Krugman, cần số tiền lớn hơn nhiều và cụ thể cần áp dụng những biện pháp khác để chuyển số tiền đó đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Eurozone. Krugman đưa ra gợi ý, chương trình nhắm đến hỗ trợ cho doanh nghiệp xử lý những khoản nợ ngắn hạn đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiến hành có thể là một ví dụ để châu Âu làm theo.

Cuối cùng, ECB và Fed - hai Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới cũng đang trải qua xu hướng khá giống nhau, tức đều theo khuynh hướng nới lỏng tiền tệ một cách mạnh mẽ, Krugman nhận xét. Tuy nhiên, ngay trong nội tại châu Âu, môi trường chính trị của các quốc gia lại rất khác nhau và điều đó lại chính là hạn chế đối với khu vực đồng tiền chung.

Châu Âu có thể thoát khỏi bẫy giảm phát?

Nếu tỷ lệ lạm phát âm, sẽ thật "tai hại" đối với các quốc gia đang phải đối mặt gánh nặng nợ cao dù đó là nợ của hộ gia đình hay nợ của Chính phủ.

Thoát khỏi tình trạng lạm phát thấp là một nhiệm vụ khó khăn và dường như bất khả thi. Châu Âu cần bắt đầu những chính sách như Abenomics, nói cách khác làm như những gì Nhật Bản đã làm. Đó là ví dụ thực sự của một quốc gia đã lâm vào giảm phát và cũng có những đặc điểm chung với châu Âu như dân số đang lão hóa, cầu tiêu dùng cá nhân yếu,... Điều này có nghĩa phải từ bỏ mục tiêu lạm phát 2% bởi vì mục tiêu đó quá thấp để có thể thi hành chính sách nới lỏng tài khóa tạm thời nhằm hỗ trợ nền kinh tế và thông qua một số chương trình cải cách cấu trúc lớn và ấn tượng.

Tuy nhiên, cho đến nay Eurozone vẫn chưa lâm vào giảm phát chung như Nhật Bản. Krugman cảnh báo: "Không được để cho tỷ lệ lạm phát chung xuống dưới 0%". Hiện con số này ở Eurozone đang ở 0,5% trong tháng 5.

Nếu tỷ lệ lạm phát âm, sẽ thật tai hại đối với các quốc gia đang phải đối mặt gánh nặng nợ cao dù đó là nợ của hộ gia đình hay nợ của Chính phủ. Bởi lạm phát càng thấp càng làm trầm trọng hơn các vấn đề liên quan đến nợ.

Ngoài ra, cũng không nên lầm tưởng rằng chỉ có các nước lâm vào khủng hoảng nợ trước đây mới phải đi đầu trong nỗ lực chống giảm phát trong nước. Tây Ban Nha có thể có thặng dư tài khoản vãng lai, nhưng nước này cũng không thể không lo lắng về giảm phát. Và cuối cùng nên nhớ rằng, Đức - đầu tàu kinh tế trong khối Eurozone cũng đang có tỷ lệ lạm phát quá thấp.

Nguồn Theo DVO/Les Echos


Sự kiện