Palestine được gì sau thắng lợi ngoại giao lịch sử?
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện nhiều nước tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã chúc mừng tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas.
Tại Palestine, trong đó có Bờ Tây và Dải Gaza, hàng nghìn người dân đã đổ ra đường ăn mừng sự kiện lịch sử này. Tại thành phố Bethlehem (Bờ Tây), người dân đã bắn pháo hoa và rung chuông nhà thờ để chào mừng chiến thắng.
Kể từ năm 1974, Palestine đã được hưởng quy chế “thực thể quan sát viên”, cho phép họ được tham gia vào các cuộc tranh luận chung của Liên Hợp Quốc, quyền “đồng bảo trợ các dự thảo nghị quyết và quyết định về các vấn đề Trung Đông và Palestine”, nhưng không có quyền bỏ phiếu.
Quy chế “nhà nước quan sát phi thành viên” mà Liên Hợp Quốc vừa thông qua được dành cho một đất nước Palestine tồn tại từ trước cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 với Israel, bao gồm khu Bờ Tây, Dải Gaza và đông Jerusalem.
Với việc được nâng quy chế lên “nhà nước quan sát phi thành viên”, quyền lợi của Palestine không khác nhiều so với vị thế “thực thể quan sát viên” trước đây.
Nhưng một điểm khác nhau quan trọng là, giống như Vatican (Nhà nước quan sát phi thành viên duy nhất còn lại), họ có thể trực tiếp lưu hành những tài liệu chính thức về những cuộc họp có liên quan đến các nước thành viên hoặc các bên khác. Quy chế mới cũng cho phép Palestine trở thành thành viên đầy đủ của các cơ quan của Liên Hợp Quốc như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO).
Tuy nhiên, trên tư cách mới được công nhận, Palestine không được quyền đề xuất bất kỳ dự thảo nghị quyết nào lên Liên Hợp Quốc. Họ sẽ phải nhờ một quốc gia thành viên hoặc một nhóm các quốc gia tại Liên Hợp Quốc vốn có sự đồng cảm với họ đề xuất một dự thảo nghị quyết.
Palestine cũng sẽ phải đương đầu với một loạt thách thức để có thể tận dụng quyết định lịch sử này. Sau thắng lợi ngoại giao ngày 29/11, Palestine sẽ được hưởng quy chế giống như Vatican hiện nay, nhưng trên thực tế, họ hầu như không có thêm quyền lực mới nào. Tương lai phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Palestine có thể trở thành thành viên của các cơ quan, tổ chức nào trong hệ thống LHQ và ai sẽ ủng hộ những nỗ lực của họ.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) chỉ chấp nhận giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia được công nhận là thành viên đầy đủ của LHQ. Trước đây, các nước chưa phải là thành viên của LHQ là Thụy Sỹ và Nauru cũng từng chấp nhận quyền tài phán của ICJ, song đó là trong trường hợp các bên tranh chấp có thiện chí chấp nhận phán quyết của tòa án. Điều này gần như chắc chắn là không thể xảy ra đối với cuộc xung đột Palestine - Israel.
Palestine có thể chuẩn bị hồ sơ xin gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) theo Hiệp ước Roma nhằm theo đuổi nỗ lực yêu cầu điều tra tội ác của Israel trong cuộc xung đột năm 2008-2009 ở Dải Gaza. Hồ sơ này sẽ được chuyển tới văn phòng của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - người có thẩm quyền ký phê chuẩn.
Nguồn Báo Tin tức