Palestine được công nhận là nhà nước quan sát viên
Tổng thống Abbas đã tập trung nỗ lực vận động hành lang của mình ở châu Âu. Chiến dịch đã có kết quả tốt khi ít nhất 17 quốc gia châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết Palestine, có thể kể ra một số gồm Áo, Pháp, Italia, Na Uy và Tây Ban Nha.
Cộng hòa Séc là nước duy nhất ở châu Âu đứng về phía Mỹ. Israel, Canada, Panama và các nước nhỏ ở đảo Thái Bình Dương như Nauru, Palau và Micronesia bỏ phiếu chống lại nghị quyết.
Với quyết định này, Palestine đã được nâng cấp từ tư cách “thực thể quan sát viên” tại Liên Hiệp Quốc không có quyền bỏ phiếu lên nhà nước quan sát viên phi thành viên và có thể tham gia các tổ chức quốc tế như Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Đây được coi là một thắng lợi lịch sử đối với Palestine.
Đối với nội bộ Palestine, quyết định trao quy chế quốc gia quan sát viên không thành viên của Liên Hợp Quốc cho Palestine thể hiện thái độ nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với tổng thống Mahmoud Abbas và đảng Fatah trong bối cảnh phong trào Hamas ở dải Gaza tìm mọi cách thể hiện rằng chỉ có Hamas là đại diện duy nhất của cuộc kháng chiến chống Israel.
Palestine bước sang giai đoạn lịch sử mới, đúng "Ngày quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine", ngày 65 năm trước, 29/11/1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 181/II chấm dứt sự bảo hộ của Anh đối với Palestine, chia Palestine thành 2 quốc gia cho người Do Thái và cho người Palestine, nhưng duy trì liên minh kinh tế giữa hai nước.
Như vậy, Palestine đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chấp thuận là một quan sát viên, thành lập một nhà nước Palestine với các đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem. Ngoài ra, trong dự thảo nghị quyết mà các nhà ngoại giao Palestine công bố vào ngày 26/11, Palestine đã kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc "cân nhắc một cách thiện ý" yêu cầu trở thành thành viên đầy đủ mà Palestine đưa ra một năm trước.
Dự thảo nghị quyết cũng nhấn mạnh sự cấp thiết nối lại các cuộc hòa đàm bị đình trệ từ tháng 9/2010 sau khi Israel từ chối đề nghị của Palestine gia hạn lệnh tạm ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Mặc dù vậy, độc lập thật sự đối với Palestine vẫn còn là một ước mơ xa vời cho đến khi nhà nước quan sát viên phi thành viên mới của Liên Hợp Quốc này tiến hành đàm phán hòa bình với Israel. Về phía Israel, nước này cảnh báo rằng quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ làm trì hoãn giải pháp lâu dài thật sự cho xung đột Israel và Palestine.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice cảnh báo, nghị quyết này có thể ngăn cản con đường dẫn tới hòa bình Trung Đông. Tuần trước, Bộ ngoại giao Mỹ dọa nếu Palestine được trao quy chế nêu trên, quốc hội Mỹ chưa chắc đã thông qua khoản viện trợ 200 triệu USD cho Palestine.
Trong khi đó, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi bài phát biểu của tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trước cuộc bỏ phiếu là “làm mất danh dự và chống lại Israel”. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Netanyahu cho rằng động thái của Liên Hợp Quốc là vi phạm những thỏa thuận giữa Israel và Palestine, Israel sẽ có hành động đáp trả.
Trước đó, Israel cũng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp kinh tế hà khắc chống Palestine như giữ lại một phần tiền thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng đánh trên hàng hóa của người Palestine quá cảnh qua cửa khẩu Israel để trừ nợ của Palestine, cắt giảm số giấy phép lao động dành cho lao động Palestine, giảm chỉ tiêu nước cung cấp, xem xét lại giấy phép lưu thông cho các VIP Palestine.
Nguồn Reuters/Khampha