Pakistan đối mặt nguy cơ đảo chính quân sự
Sáu năm sau thời điểm Tướng Pervez Musharraf, vị lãnh đạo quân sự cuối cùng, từ chức để mở được cho việc tái lập chế độ dân sự, quân đội Pakistan chưa từng đánh mất vai trò của mình trên chính trường Pakistan. Trên thực tế, quân đội vẫn chi phối đời sống chính trị-xã hội Pakistan và trong mấy tháng gần đây, ảnh hưởng của nó đối với quá trình hoạch định chính sách lại càng gia tăng.
Tuần qua, ông Shahbaz Sharif, người em trai đầy quyền lực của Thủ tướng Nawaz Sharif, đã phải vội vã bay từ Lahore đến Rawalpindi để họp khẩn với lãnh đạo quân đội về biện pháp ngăn chặn và chấm dứt biểu tình. Đây được coi là một dấu hiệu chứng tỏ quân đội vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ đối với chính trường Pakistan. Theo một cố vấn của ông Shahbaz, hai bên đã "tìm được giải pháp vào phút chót nhằm chặn đứng biểu tình".
Trong lịch sử 67 năm tồn tại với tư cách là một quốc gia độc lập, Pakistan có gần một nửa thời gian do quân đội nắm quyền lãnh đạo.
Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Pakistan ngày 17/8 đã tuyên bố sẽ đàm phán với 2 thủ lĩnh chính trị đối lập, những người đang lãnh đạo hàng nghìn người ủng hộ biểu tình ngồi ở thủ đô Islamabad để yêu cầu Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức.
Bộ trưởng Nội vụ Nisar Ali Khan đưa ra thông báo trên ngay sau khi thủ lĩnh phong trào chống chính phủ Imran Khan phát động một phong trào phản kháng dân sự. Imran Khan nói với những người ủng hộ mình rằng ông sẽ không trả tiền thuế và thanh toán các hóa đơn dịch vụ tiện ích, đồng thời ông kêu gọi người dân hưởng ứng hành động này.
Theo Bộ trưởng Nisar, chính phủ đã quyết định khởi động đối thoại với Imran Khan và một thủ lĩnh đối lập khác là Tahir ul Qadri, người cũng đang biểu tình phản đối chính phủ ở Islamabad. Chính phủ Pakistan sẽ thành lập 2 ủy ban để bắt đầu đàm phán với 2 thủ lĩnh đối lập nói trên, có thể là vào ngày 18/8. Các ủy ban này sẽ bao gồm các lãnh đạo những chính đảng khác và các đại diện của chính phủ.
Imran Khan trước đó kêu gọi Thủ tướng Sharif từ chức trong vòng 2 ngày nếu không những người ủng hộ ông sẽ kéo đến phủ thủ tướng và tòa nhà quốc hội. Hôm 16/8, ông Qadri cũng đặt ra thời hạn chót 48 giờ để thủ tướng từ chức.
Nguồn Báo Tin Tức