kinja.com
Oxfam: Việt Nam đứng nhì Đông Nam Á về nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng xã hội
Theo nghiên cứu mới của tổ chức phi chính phủ Oxfam, nước Mỹ đang rất yếu kém trong việc giải quyết bất bình đẳng xã hội. Nếu mhững dự định cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump trở thành hiện thực, mức độ bất bình đẳng tại Mỹ có thể sẽ còn tệ hơn một số nước thế giới thứ ba.
Mặc dù là nước giàu nhất trên thế giới, nhưng những nỗ lực gia tăng phúc lợi xã hội, cải cách chính sách lao động thuế tại Mỹ lại bị đánh giá thấp hơn nhiều so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Theo Chỉ số Nỗ lực Giảm thiểu Bất bình đẳng (CRI) của Oxfam được công bố hôm thứ Hai, Mỹ đứng thứ 23/152 quốc gia về các nỗ lực loại bỏ bất bình đẳng, đứng sau các nước như Bồ Đào Nha, Slovenia và Nam Phi. Báo cáo này cũng cho thấy những kế hoạch sửa đổi luật thuế và bảo hiểm y tế của Trump có thể sẽ khiến Mỹ tụt hạng thêm, đứng dưới các nước Hy Lạp (hạng 25), Argentina (26) và Hungary (28).
Báo cáo của Oxfam bình luận: "Mỹ là quốc gia giàu có nhất trong lịch sử thế giới, nhưng cũng có mức độ bất bình đẳng cao nhất trong số các nước công nghiệp lớn, khiến hàng chục triệu người lao động phải sống trong nghèo khổ".
"Các dự định cắt giảm thuế của Trump sẽ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Những khoản chi tiêu phúc lợi xã hội chủ yếu mang lại lợi ích cho người giàu, và những khoản phúc lợi cho người nghèo như chương trình bảo hiểm y tế Medicaid có thể sẽ sớm bị cắt giảm mạnh tay, khiến hàng triệu người mất bảo hiểm y tế".
Được Oxfam phối hợp thực hiện cùng Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế (DFI), cũng chỉ ra chính sách lao động tại Mỹ đang trở nên "tồi tệ hơn" và ngưỡng tiền lương tối thiểu hiện là quá thấp. Báo cáo này cũng cho rằng dưới thời ông Trump, tình trạng bất bình đẳng sẽ bị bỏ mặc, trong khi các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế.
Mức lương tối thiểu do chính phủ liên bang đặt ra tại Mỹ là 7,25 USD/giờ, thấp hơn rất nhiều so với mức 10,60 USD/giờ để một gia đình bốn người có thể đạt chuẩn nghèo của liên bang, và mức lương tối thiểu này ít có khả năng được nâng lên trong những năm tới. Trong khi đó, chính quyền của Trump đang rút lại những luật bảo vệ người lao động, bao gồm các quy định về an toàn, quyền tổ chức và lập hội, cũng như chế độ lương làm ngoài giờ.
Báo cáo của Oxfam cũng cho biết thêm rằng Mỹ là một thiên đường thuế cho các công ty, và rằng mức xếp hạng về chính sách thuế của Mỹ sẽ còn tụt hạng hơn nữa trong tương lai khi vấn đề này được đánh giá đầy đủ hơn.
Bản báo cáo nhấn mạnh rằng ngay cả với những quốc gia dẫn đầu cũng phải biết duy trì và cải thiện chính sách để phản ánh những thay đổi trong xã hội.
Cũng theo xếp hạng CRI, Việt Nam được xếp thứ 80, cao hơn Nga (hạng 85), Singapore (86) và Trung Quốc (87). Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ nhì, chỉ sau Thái Lan (hạng 70). Trong số các nước Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam được xếp hạng 11.
Dưới đây là 20 nước đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu của CRI:
1. Thụy Điển
2. Bỉ
3. Đan Mạch
4. Na Uy
5. Đức
6. Phần Lan
7. Áo
8. Pháp
9. Hà Lan
10. Luxembourg
11. Nhật Bản
12. Iceland
13. Ireland
14. Úc
15. Canada
16. Ý
17. Vương quốc Anh
18. Thụy Sĩ
19. Bồ Đào Nha
20. Slovenia
Trong khi đó, ở vị trí thứ 152, Nigeria là nước đứng chót bảng. Nghiên cứu của Oxfam cho thấy 5 người giàu nhất Nigeria có đủ tiền để chấm dứt tình trạng đói nghèo tại đất nước này.
Báo cáo viết: "Sự bất bình đẳng sâu sắc này là một sản phẩm của các chính sách chỉ làm lợi cho một nhóm thiểu số: nền văn hoá gia trưởng, chế độ thân hữu, chính sách đánh thuế nhiều lần lên người nghèo trong khi các công ty đa quốc gia lớn lại được trốn thuế, tỷ lệ tham ô cao và việc thi hành chính sách yếu kém".
Theo Cục Thống kê Quốc gia của Nigeria, trong hai thập kỷ qua nước này đã thu được hơn 700 tỷ USD từ dầu mỏ, nhưng 69% dân số vẫn sống với mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. 10 triệu người Nigeria không được đi học, và 1/10 dân số Nigeria chết trước khi lên 5 tuổi.
Bá Ước
Nguồn CNBC