Ảnh: CNBC

 
Vũ Hạo Thứ Hai | 13/04/2020 07:56

OPEC+ đạt thoả thuận lịch sử, cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày, giá dầu hy vọng bật tăng

Liên minh OPEC+ cũng "chào thua" trước lời đề nghị của Mexico, chấp thuận giảm mức cắt giảm xuống 9,7 triệu thùng/ngày, thay vì 10 triệu thùng/ngày trước đó.

Trong ngày Chủ nhật (12.4), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sản xuất dầu đã hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử, cụ thể cắt giảm 9,7 trệu thùng/ngày, sau nhiều ngày đàm phán và tranh cãi qua lại giữa các nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới.

Đây là cuộc họp khẩn cấp thứ hai trong 4 ngày qua – diễn ra khi các quốc gia sản xuất dầu nỗ lực tiến tới thỏa thuận nhằm hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh dịch bệnh làm giảm nhu cầu.

Liên minh OPEC+ lúc đầu đề xuất cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày – chiếm khoảng 10% nguồn cung toàn cầu – trong ngày thứ Năm (9.4), nhưng Mexio phản đối mức cắt giảm 400.000 thùng/ngày mà liên minh yêu cầu và từ đó đẩy thỏa thuận vào thế bế tắc.

Cuộc họp tiếp tục trong ngày thứ Sáu (10.4) khi các bộ trưởng năng lượng từ G20 họp mặt. Mặc dù tất cả đều đồng tình rằng cần phải ổn định thị trường, nhưng họ lại không đề cập cụ thể đến số thùng dầu phải cắt giảm.

Theo thỏa thuận mới, Mexico sẽ cắt giảm 100.000 thùng/ngày, thay vì mức 400.000 thùng/ngày như đề xuất ban đầu. Mức cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày sẽ bắt đầu từ ngày 1.5 và sẽ được kéo dài đến cuối tháng 6.2020.

Saudi Arabia và Nga đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày.

Có thể thấy Saudi Arabia và Nga, hai thành viên chủ chốt của OPEC+, đã có nhiều nỗ lực và đóng góp đáng kể vào kết quả nêu trên sau nhiều tuần đối đầu căng thẳng trong cuộc chiến giá dầu.

Việc OPEC+ đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng đã mở ra hy vọng giá dầu thế giới sẽ sớm bật tăng trở lại sau nhiều ngày giảm sâu. Trước đó, Hãng phân tích dữ liệu OilX thống kê vào đầu năm 2020, có khoảng 650 triệu thùng dầu thô đang được cất tại các kho chứa trên cạn và 100 triệu thùng khác trên các tàu chở dầu ngoài khơi. Thế nhưng nhu cầu đối với mặt hàng này đã giảm sâu hơn vì dịch bệnh khiến thị trường dầu mỏ thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng "thừa cung".

Nguồn CNBC