"OPEC đã chết"
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã chết. Đó là nhận định mà người đứng đầu Rosneft - công ty dầu mỏ lớn nhất của của Nga - vừa đưa ra và cho rằng thị trường dầu thô sẽ bước vào kỷ nguyên mới nơi giá dầu bị chi phối bởi "tài chính, công nghệ và quy định".
Nga và OPEC lâu nay vẫn là đối thủ của nhau cho dù 2 bên vẫn có quan hệ hợp tác, nhất là sau sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ khiến cả 2 đều phải tăng lượng dầu bơm lên để giữ thị phần.
Hồi đầu năm nay, Nga đã cố gắng đàm phán về việc đóng băng sản lượng với OPEC trong trong khi một số thành viên nhỏ hơn của OPEC đồng ý ký thỏa thuận, thì Arab Saudi - lãnh đạo OPEC - đã bất ngờ tuyên bố chỉ tham gia thỏa thuận nếu Iran cũng đồng ý đóng băng sản lượng.
Động thái này khiến Nga “bối rối” và người đứng đầu Rosneft đã lên tiếng phản đối yêu sách trên của Arab Saudi.
Riyadh đã nhiều lần khẳng định nước này có thể đợi cho đến khi đợt lao dốc của giá dầu kết thúc. Tất nhiên, thành công của chiến lược này còn phụ thuộc vào thời gian kéo dài của đợt mất giá, nhưng rõ ràng ngân sách của Arab Saudi dồi dào hơn Nga. Hơn nữa, Arab Saudi cũng có một chương trình phát triển kinh tế mới với mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Arab Saudi tuyên bố rằng sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia so với lợi ích của OPEC. Nước này liên tục sử dụng ảnh hưởng của mình với tư cách là nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC để áp đặt chính sách lên các nước xuất khẩu nhỏ hơn. Và chính sách của Arab Saudi - tóm gọn lại là “bơm dầu nhiều nhất có thể, không để cho các công ty dầu đá phiến có sức mà thở" - vẫn chưa đưa đến thắng lợi nào đáng kể. Chính sách này không giúp giá dầu tăng lên - vốn được dự đoán sẽ diễn ra sau khi các nhà sản xuất dầu đá phiến bỏ cuộc. Nhưng các công ty dầu đá phiến của Mỹ lại sống dai cầm cự lâu hơn dự đoán.
Arab Saudi biết rằng OPEC đã chết. Tổ chức này đã chạm đến giới hạn của mình.
Hôm 10/5, Giám đốc điều hành Aramco, công ty dầu khí lớn nhất Arab Saudi, cho biết, công ty này có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng khí đốt trong vòng 10 năm tới. Aramco đang đặt cược vào khí đốt với lý do là: khí đốt là loại hydrocarbon sạch hơn, và khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi và tăng trưởng, nhu cầu khí đốt sẽ tăng trưởng ổn định, ít nhất là theo Báo cáo Thị trường Khí đốt Trung hạn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Theo kế hoạch Tầm nhìn 2030, rõ ràng Arab Saudi không còn cần đến OPEC nữa. Nước này sẽ tự vượt qua “cơn nghiện dầu mỏ” của mình. Nếu không còn Arab Saudi với sản lượng 10,27 triệu thùng/ngày (tính đến tháng 4/2016), tất cả các thành viên OPEC còn lại sẽ đường ai nấy đi.
Mặc dù ông Sechin không luyến tiếc gì viễn cảnh này, nhưng sự sụp đổ của OPEC - tổ thức có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường dầu mỏ - không hẳn là tin tốt cho Rosneft và Nga.
Nếu Arab Saudi có được bí quyết phát triển nguồn dự trữ khí đốt của mình, nước này có thể trở thành một đối thủ nguy hiểm cho ngành khí đốt của Nga và Iran. Nhiều khả năng khí đốt sẽ thay thế vai trò của dầu mỏ trên thị trường năng lượng trong tương lai. Dù thế nào đi chăng nữa, OPEC sẽ không bao giờ lấy lại được vinh quang xưa cũ của mình.
Nhật Trường
Nguồn B.I.