Ảnh: CNN
Ông Trump và ông Kim đồng lòng hướng tới hội đàm thành công
Vị Tổng thống Mỹ đang tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái.
Hai nhà lãnh đạo bắt tay và đưa ra những nhận xét ngắn gọn trước cuộc gặp trực tiếp tại khách sạn Metropole Hà Nội bắt đầu vào chiều tối nay (27.2). Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã dùng bữa tối cùng với một số quan chức cấp cao bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Michael Pompeo và Phó chủ tịch Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Yong Chol.
Hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau. Ảnh: CNN |
Ngồi cạnh ông Kim, ông Trump đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ tại Singapore là “rất thành công” và nói rằng “tôi mong hội nghị lần này sẽ thành công tương đương hoặc lớn hơn”. Ông nói rằng Triều Tiên “có tiềm năng kinh tế rất lớn. Tôi mong muốn được xem nó xảy ra”.
Ông Kim luôn mỉm cười khi ông Trump phát biểu, và nói rằng hai bên đã vượt qua những trở ngại trước hội nghị thượng đỉnh lần này. "Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ tạo ra kết quả tuyệt vời mà mọi người đều vui và tôi sẽ cố gắng hết sức", ông Kim nói bằng tiếng Triều Tiên.
Thông báo quan trọng hơn dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày mai 28.2, khi ông Trump hy vọng sẽ đạt đột phá về quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Trong khi ông Kim đã không thử nghiệm vũ khí kể từ khi phóng tên lửa vào năm 2017, ông không cam kết tiết lộ hoặc tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Hai nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục tươi cười trong buổi ăn tối. Ảnh: CNN. |
Sau khoảng 10 phút trò chuyện trước báo giới, ông Trump và ông Kim có cuộc gặp riêng kéo dài khoảng 20 phút, sau đó cùng dùng bữa tối trong khoảng một giờ rưỡi đồng hồ.
Khi bắt đầu bữa tối tại khách sạn Metropol, ông Trump và ông Kim tỏ ra thư giãn và thân thiện, CNN cho hay. "Không có gì bằng việc có một bữa tối riêng tư thú vị", ông Trump chia sẻ với báo giới.
Ông Trump cũng đã bác bỏ những đồn đoán về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh lần này, đồng thời gợi ý rằng ông có thể mời thêm một số nước có liên quan trong các cuộc đàm phán hạt nhân gồm: Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Triều Tiên đã tham gia vào cuộc đàm phán 6 bên với các nước đó và Mỹ sau khi rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân năm 2003. Nhưng Bình Nhưỡng đã từ bỏ cuộc đàm phán kể từ năm 2009.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam chỉ vài ngày trước khi ông Trump và ông Kim tới Hà Nội, tuần này nói rằng các cuộc đàm phán sáu bên nên được hồi sinh nếu quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên được cải thiện, hãng tin Nga TASS trích dẫn.