Ông Trump đang đẩy châu Âu vào vòng tay châu Á
Bạn cũ không còn tin nhau
Donald Trump đã gọi Liên minh châu Âu EU là “kẻ thù” và “xúi” thủ tướng Anh Theresa May kiện các nước còn lại trong khối vì vấn đề Brexit. Vị tổng thống Mỹ này còn áp thuế quan lên các mặt hàng thép của châu Âu và dọa sẽ tiếp tục làm vậy với các mặt hàng khác nữa, kể cả ôtô. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi lãnh đạo các nước châu Âu đang chuyển mình về hướng Đông để tìm kiếm những đồng minh mới.
Trong tuần này, EU vừa ký kết một thỏa thuận thương mại lịch sử với Nhật Bản, thỏa thuận này còn được biết dưới tên JEFTA và sẽ giúp cho các nhà sản xuất thực phẩm châu Âu bán hàng vào Nhật Bản dễ dàng hơn đồng thời mở cửa thị trường châu Âu cho các nhà sản xuất xe của Nhật. Bên cạnh đó là quá trình xích lại gần nhau giữa châu Âu và Trung Quốc. Lần đầu tiên kể từ năm 2015, hội nghị thượng đỉnh hàng năm EU – Trung Quốc kết thúc bằng một tuyên bố chung, cộng với sự tiến triển, tuy còn hạn chế, trong việc tiến tới một hiệp định đầu tư hai chiều.
Hai sự kiện trên thực ra khó có thể so sánh với nhau. Thỏa thuận giữa EU và Nhật Bản là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất trong lịch sử. Hai nền kinh tế lớn này đã có mối quan hệ chính trị vững vàng trong nhiều năm và chia sẻ vị thế giống nhau trong thương mại. Ngược lại, EU và Trung Quốc đang có bất đồng lớn trong nhiều vấn đề quan trọng, ví dụ như việc Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ lớn của châu Âu hay việc các tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc đang được hưởng khoản trợ cấp khổng lồ từ chính phủ.
Đó là lý do mà Brussel đã phản đối việc công nhận Trung Quốc là một “nền kinh tế thị trường” tại Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Giao thương giữa EU và Trung Quốc đã tăng cao trong hai thập niên qua, nhưng các thỏa thuận thương mại hoặc đầu tư mới có ý nghĩa quan trọng thì còn xa mới đạt được.
Xuất khẩu (màu xanh), nhập khẩu (màu đỏ) và cán cân thương mại giữa EU và Trung Quốc trong giai đoạn 2008-2017. Nguồn Eurostat |
Tuy nhiên, ngay cả những bước nhỏ cũng có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa các thế lực, và các sự kiện trong tuần này cho chúng ta thấy vài điều quan trọng về châu Âu. Bất chấp các khác biệt giữa EU và Trung Quốc, cách tiếp cận thô bạo của ông Trump sẽ khuyến khích một sự hòa giải giữa hai đối thủ này. Kết quả thân thiện hơn của hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc cho thấy điều này. Còn về Nhật Bản và EU, động cơ thúc đẩy quan hệ của cả hai thậm chí còn rõ ràng hơn. Cả hai bên đều đã từng thương lượng, hoặc trong quá trình thương lượng một hiệp định thương mại với Mỹ dưới thời chính quyền của tổng thống Obama trước khi ông Trump quyết định hủy bỏ cả hai thỏa thuận.
Tìm bạn mới
Tất nhiên, không có gì đảm bảo bất kỳ chính sách “xoay quanh châu Á” nào của EU sẽ thực sự thành công. Sự trỗi dậy của các chính phủ “chống chính thống”, ví dụ như ở Ý, đang đẩy châu Âu theo hướng bảo hộ mậu dịch nhiều hơn. Đảng Phong trào Năm Sao của Ý muốn nước này không phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Canada, mặc dù đảng này hiện giờ vẫn đang đồng ý một thỏa thuận với Nhật Bản. Nguy cơ nằm ở chỗ những người theo chủ nghĩa dân túy giống phong cách của ông Trump sẽ phản đối các mối quan hệ thương mại và đầu tư gần gũi hơn, nhất là với một nước Trung Quốc đang bành trướng.
Nhưng quá trình rời EU đầy đau khổ của nước Anh cho thấy sự đơn điệu của chủ nghĩa dân tộc trong thương mại. Trước khi tổ chức trưng cầu dân ý, những người ủng hộ rời khỏi EU lý luận rằng một lợi thế lớn khi rời khỏi EU là Anh sẽ được tự do theo đuổi các thỏa thuận thương mại có lợi hơn với các nước trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều trớ trêu là với thỏa thuận EU – Nhật Bản, giờ đây Anh có thể sẽ phải lặp lại các điều khoản như trong thỏa thuận trên để khiến Tokyo hài lòng. Một điều sẽ khiến Anh đau lòng nhưng vẫn phải thực hiện vì sự quan trọng của công ty Nissan và Honda đối với nền kinh tế Anh.
Chúng ta còn lâu mới thấy sự sắp xếp lại của một liên minh đã thống trị kỷ nguyên Hậu thế chiến II. Brexit có thể sẽ không xảy ra, hoặc xảy ra theo một hướng nhẹ nhàng hơn nhiều. Mỹ có thể sẽ trở lại chủ nghĩa đa phương nếu có một tổng thống mới thay thế ông Trump. Nhưng EU đã đúng khi làm mọi cách để giảm thiểu nguy cơ của mình. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng châu Á có vẻ như là một canh bạc an toàn hơn là Mỹ.
Nguồn Bloomberg