Ảnh: Bloomberg
Ông Thaksin vẫn chi phối bầu cử Thái Lan
Ông Thaksin Shinawatra đã không đặt chân đến Thái Lan kể từ khi ông bị kết án trong một vụ án tham nhũng được đưa ra sau một cuộc đảo chính năm 2006. Nhưng ở vùng Đông Bắc nghèo khó, vị tỷ phú - cựu Thủ tướng dường như vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi.
Vào một ngày tháng 3 ngột ngạt, những người nông dân đội mũ rơm đã phủ kín một con đường đi đến một cuộc biểu tình ở Khon Kaen, một trong những thành phố lớn nhất trong khu vực giúp các đồng minh của Thaksin giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001. Những người phát ngôn của đảng Pheu Thai (được cho là có liên hệ với ông Thaksin) đã gọi tên ông nhiều lần trong các bài phát biểu, và những người ủng hộ mặc áo phông có hình em gái của ông Thaksin là bà Yingluck, người đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2014.
Cuộc bỏ phiếu sẽ một lần nữa kiểm tra xem quần chúng ở nông thôn Thái Lan có từ chối các tướng lĩnh quân đội, những người đã điều hành đất nước kể từ năm 2014, hay không. Đối thủ của Thaksin là liên minh giữa quân đội, quan chức và các gia đình giàu có ở Bangkok với các mối liên hệ hoàng gia, những người đã sử dụng quân đội và tòa án để vô hiệu hóa kết quả của ba cuộc bầu cử gần nhất để duy trì quyền lực.
Lần này, quân đội có tiếng nói lớn hơn về việc ai sẽ nắm quyền lực: Một Thượng viện, không qua bầu cử và sẽ được lựa chọn bởi chính quyền hiện tại, sẽ bầu chọn cho vị trí thủ tướng mới, khiến các đồng minh của ông Thaksin khó thành lập chính phủ hơn, mặc dù họ đã giành hầu hết các ghế trong Hạ viện.
Viễn cảnh về một kết quả lộn xộn có nguy cơ gây nên nhiều mối bất hòa tương tự trong quá khứ, điều đã dẫn đến các cuộc biểu tình đẫm máu ở Bangkok. Những bất ổn chính trị đã cản trở việc hoạch định chính sách kinh tế và làm xói mòn vị thế của Thái Lan như một điểm đến sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á.
Kể từ năm 2007, Thái Lan đã tụt hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tăng trưởng được dự báo là 4% trong năm 2019, thấp hơn mức trung bình 5,2% trên toàn Đông Nam Á nói chung. Đây là năm thứ bảy liên tiếp Thái Lan sẽ tụt lại so với các nước khác trong khu vực.
Ở phía Đông Bắc, một vùng đất nông nghiệp rộng lớn, nơi có một phần ba dân số Thái Lan, các cử tri vẫn tán thành các chính sách dân túy mà ông Thaksin đã đưa ra hai thập kỷ trước, bao gồm cả chương trình y tế phải chăng và trợ cấp nông nghiệp giá rẻ. Prajak Kongkirati, một chuyên gia nghiên cứu chính trị tại Đại học Thammasat ở Bangkok, cho biết: “Ông Thaksin là người đầu tiên chú ý đến khu vực này”.
Prajak nói rằng các đồng minh của ông Thaksin sẽ đối mặt với một thách thức khó khăn vì một kế hoạch phúc lợi mới được Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha đưa ra. Kế hoạch này cung cấp cho nông dân quỹ thu hoạch mùa vụ và cung cấp cho người thu nhập thấp khoảng 10 USD/tháng để mua những nhu yếu phẩm trong gia đình. Một đảng ủng hộ ông Prayuth cũng đã đề xuất giảm thuế, tăng mức lương tối thiểu hơn 30% và đảm bảo giá đầu ra cho cao su, gạo và mía.
Sangiam Dangpaung, một nông dân, người luôn bỏ phiếu cho các đảng có liên quan đến Thaksin, có thể chuyển sang ủng hộ người đứng đầu chính phủ vì những khoản hỗ trợ tiền mặt. “Bây giờ, tôi đã chán ngấy với họ”, Sang Sangiam nói về các đồng minh của Thaksin. Ông nói thêm: “Họ chỉ nói về việc chống lại ông Prayuth và không có gì về cách họ sẽ giúp chúng tôi”.
Dù vậy, các đồng minh của ông Thaksin vẫn là những người nắm giữ lợi thế lớn nhất trong cuộc bầu cử theo hầu hết các cuộc thăm dò. “Đảng này đại diện cho ý tưởng của Thaksin”, ông Kum Bomkod, một nông dân trồng lúa 70 tuổi, người dự định bỏ phiếu cho Pheu Thai. Ôn nói thêm: “Cuộc sống của tôi đã rất ổn dưới thời ông Thaksin”.
Nguồn Bloomberg