Một hàng dài người chờ đợi để được xét nghiệm COVID-19 ở Thành phố New York vào ngày 22/12. Ảnh: Getty Images.
Omicron khởi đầu cho sự kết thúc của đại dịch
Biến thể omicron của virus SARS-CoV-2, được phát hiện chỉ vài tuần trước, đã thống trị các ca nhiễm COVID-19 trên khắp thế giới. Dù vẫn rất thận trọng, các nhà khoa học tỏ ra lạc quan biến chủng Omicron là dấu hiệu cho thấy virus đang mất dần độc lực, dấu hiệu đầu tiên cho sự chấm dứt của đại dịch.
Theo Guardian, lịch sử dường như đang lặp lại. Hàng loạt quốc gia từ châu Âu tới châu Á đang đối mặt mùa nghỉ lễ u ám bởi làn sóng ca mắc COVID-19 mới tồi tệ chưa từng có,
Tuy nhiên, bất chấp sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm, những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện.
Mùa đông u ám
Các hoạt động ăn mừng lễ Giáng sinh đã bị hủy bỏ tại nhiều quốc gia châu Âu. Ở Anh, nhà hàng, quán rượu, câu lạc bộ đêm buộc phải đóng cửa. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cảnh báo hệ thống y tế có nguy cơ quá tải bởi bệnh nhân COVID-19 nặng đang tăng nhanh.
Diễn biến dịch bệnh lúc này khiến nhiều người lo sợ COVID-19 sẽ làm thay đổi vĩnh viễn dịp Giáng sinh và năm mới trong tương lai, khi mùa nghỉ lễ sẽ luôn đi kèm các biện pháp phong tỏa và hạn chế phòng dịch.
Mùa đông năm nay dường như là phiên bản lặp lại của năm 2020. Tại Anh, số ca mắc COVID-19 bùng nổ chỉ trong vài tuần ngắn ngủi trước dịp nghỉ lễ.
Tuy nhiên, tỉ lệ nhập viện và tử vong vì COVID-19 hiện nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Các nghiên cứu mới cho thấy tỉ lệ ca bệnh nặng do biến chủng Omicron thấp hơn nhiều so với các chủng virus trước đây như Delta.
So với Delta, Omicron có khả năng né khả năng miễn dịch tốt hơn nhiều. Ảnh: Getty Images. |
Các nhà khoa học nhận định kết quả các nghiên cứu mới là tin tốt lành, tuy nhiên các quốc gia vẫn cần cảnh giác.
Số ca mắc COVID-19 mỗi ngày vẫn đang tăng nhanh. Ở Anh, số ca COVID-19 trong 24 giờ lập kỷ hôm 24/12 với 122.000 trường hợp. Chỉ trong tuần qua, khoảng 1,7 triệu người Anh đã mắc COVID-19.
Trong khi đó, giới chức y tế Pháp ngày 25/12 thông báo số ca mắc COVID-19 mới đạt 6 con số, với 104.611 trường hợp. Con số kỷ lục mới của Pháp được đưa ra giữa lúc các quan chức nước này bày tỏ lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron.
Cùng ngày, Italy cũng chứng kiến mức tăng kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp, với 54.762 trường hợp mới, phá vỡ kỷ lục 50.599 trong ngày trước đó.
Trong khi đó, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng tại Australia khi nước này liên tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca COVID-19. Ngày 25/12, Australia ghi nhận 9.947 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bang đông dân nhất Australia là New South Wales có thêm 6.394 ca mắc COVID-19, kỷ lục mới, cùng 70 trường hợp nhập viện trong đêm.
Khởi đầu cho một kết thúc
Điều đáng chú ý là phần lớn ca mắc COVID-19 mới xảy ra với người trưởng thành ở độ tuổi thanh niên. Các nhà khoa học cảnh báo một khi biến chủng Omicron bắt đầu lan rộng trong nhóm người cao tuổi, độ tuổi dễ bị tổn thương hơn, tỉ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện sẽ tăng đột biến.
Mặt khác, một bộ phận lớn người dân đã được tiêm đủ liều vaccine, thậm chí là liều vaccine bổ sung, giúp tạo ra hệ miễn dịch đủ để bảo vệ cơ thể trước biến chủng Omicron.
Hiện vẫn cần thêm thời gian để đánh giá tỉ lệ bao phủ vaccine cao tác động như thế nào tới cuộc chiến chống biến chủng mới.
"Chắc chắn có độ chênh giữa thời điểm nhiễm bệnh và nhập viện. Trong khoảng thời gian đó, cần có các chính sách phù hợp, điều này vốn không đơn giản", giáo sư Mark Woolhouse, chuyên gia dịch tễ học Đại học Edinburgh, cho biết.
Nhiều nhà khoa học tin các bằng chứng hiện nay cho thấy biến chủng Omicron không gây ra tình trạng bệnh nặng như các chủng virus trước đây. Các nghiên cứu tại Scotland, Anh và Nam Phi ủng hộ lập luận này.
"Tôi tin rằng biến chủng Omicron là bước đầu tiên trong quá trình virus biến đổi, gây ra những triệu chứng lành tính hơn cho con người", giáo sư Julian Tang, chuyên gia bệnh đường hô hấp Đại học Leicester, nói.
Các biện pháp hạn chế phòng dịch được tái áp đặt ở hàng loạt nước châu Âu. Ảnh: The Guardian. |
Theo ông Tang, virus đang tiến hóa theo hướng khiến người nhiễm không bị bệnh quá nặng, khi đó người bệnh vẫn có thể tiếp xúc với xã hội và lây lan virus ra cộng đồng. Về một khía cạnh nào đó, đây là một tiến hóa có lợi cho virus và phần nào đó ít có hại cho con người.
Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ khi virus lan rộng, virus sẽ tiếp tục đột biến và trở thành biến chủng mới có độc lực cao hơn.
Quan chức y tế một số quốc gia dự đoán COVID-19 cuối cùng sẽ giống như cúm. Khi đó, con người sẽ cần tiêm vaccine mới để đối phó với những biến chủng mới xuất hiện mỗi năm.
Tuy nhiên, giáo sư Martin Hibberd của Đại học Y tế London lại có quan điểm ngược lại. Ông Hibberd cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ giống như các chủng virus corona gây ra cảm lạnh.
"Virus corona sẽ không xuất hiện chủng mới mỗi năm. Lý do chúng ta bị cảm lạnh mỗi mùa đông là bởi khả năng chống lại virus Corona của hệ miễn dịch không tồn tại lâu", giáo sư Hibberd nói.
Dù vậy, chuyên gia Đại học London cũng nhận định con người sẽ cần tiêm vaccine hàng năm để khắc phục điểm yếu của hệ miễn dịch ngắn hạn.
"Tôi nghĩ virus sẽ tự tiến hóa để trở nên lây lan mạnh hơn nhưng độc lực thấp hơn, và sẽ đến lúc chúng ta chỉ cần tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương", giáo sư Tang nhận xét.
Có thể bạn quan tâm: